f Pigeon Farci aux Champignons et Noisette - Bức thư tình - A Guy Who Cooks

Pigeon Farci aux Champignons et Noisette - Bức thư tình

tháng 12 29, 2016

Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối cùng bạn nhận được một lá thư tay? Có lẽ câu trả lời của hầu hết chúng ta là: kể từ khi sinh ra. Những người sinh ra trong thế hệ của chúng tôi hầu như đã không còn biết tới những cảm xúc lạ kỳ mà thú vui này mang lại. Thư tay rất chậm, và khi tới nơi thì những thông tin nó mang đều đã trở nên cũ kỹ. Nhưng cũng đâu có quan trọng gì? Sự chậm trễ của thư tín làm cho nỗi buồn thêm day dứt, niềm vui thêm hoan hỷ, sự mong ngóng thêm đáng giá và những ngọt ngào, lãng mạn càng ngấm sâu hơn vào tim. Đã viết một lá thư tay, cũng là mong cho người nhận tận hưởng cảm giác của những ngày xưa cũ đã lùi vào dĩ vãng. Là sự bồn chồn, mong ngóng niềm vui tìm thấy trong hòm thư lúc sớm mai. Hay niềm háo hức theo tiếng sột soạt mỗi lần lướt lưỡi dao cùn qua mép giấy, mở tung chiếc phong bì đã được dán kín cẩn thận. Hay mùi mực khô và hương nước hoa của ai đó quyện vào nhau rồi phai dần trên trang giấy khiến nỗi nhung nhớ như đặc sệt lại. Nỗi nhớ như gió, đưa những cánh thư qua lại giữa 2 thành phố, 2 nếp nhà, 2 ô cửa sổ nơi có 2 người dù bị khoảng cách địa lý chia cách mà tim thì vẫn gần kề bên nhau. Mà đôi khi, dù vẫn gặp nhau mỗi ngày, người ta vẫn muốn viết thư cho nhau. Những lá thư chẳng phải để xóa bỏ sự xa cách, mà chỉ đơn giản là có những điều muốn nói, chất chứa nơi đáy lòng nhưng cứ nghẹn lại nơi cuống họng bởi mọi ngôn từ tìm được đều quá vụng về để tỏ lòng.


Pigeon Farci by A Guy Who Cooks 3
Click để xem ảnh lớn.
Tôi chưa bao giờ nhận được một lá thư. Hòm thư của gia đình cũng đã bị gỡ bỏ từ khi nào chẳng thể nhớ nổi nữa. Còn việc viết thư? Có vẻ còn xa xỉ hơn, khi mà những lá thư ít ỏi viết từ đầu đời tới giờ đều thành hình theo lối chép chính tả để tham dự cuộc thi viết thư UPU - cái cuộc thi đã bị các nhà trường biến thành phong trào thi đua và mất sạch ý nghĩa ban đầu. Khi viết ra một tờ chữ không có cảm xúc, lòng trống rỗng, chẳng biết sẽ gửi về nơi đâu thì có nên gọi là thư hay không? Nhưng điều đó không có nghĩa rằng tôi không biết những gì thư tín có thể tác động lên tâm trạng của ta. Tôi biết qua tia sáng lóe lên trong ánh mắt bà ngoại mỗi khi nhận được thư của cậu và trận khóc sụt sùi nguyên ngày của mẹ lúc biết tin buồn đến từ phía bên kia bán cầu. Nhưng để biết thật rõ, tôi đã phải chờ đến cái ngày nhận được một lá thư viết cho riêng mình. Chẳng ẩn trong chiếc phong bì viền xanh đỏ với cái tên của người mà mình mong ngóng được viết trên đó, cũng chẳng có hương nước hoa đọng trên những con chữ mà chỉ là một tờ giấy trắng gấp vuông vức, gọn ghẽ được thả khẽ vào trong túi áo, không quên lời nhắn nhủ: "Anh để đến tối về nhà rồi hẵng mở ra đọc nhé". Sự chờ đợi làm cho mọi xúc cảm trở nên sâu lắng đến lạ kỳ, giống như rượu ngon chờ đến tuổi. Và tôi đã đợi đến đêm, khi đầu óc thật thư thái, chẳng còn mảy may vướng bận, để ngấm trọn từng câu từng chữ rồi thao thức suốt đêm, mải miết lạc trong dòng suy nghĩ về những ngày dấu yêu, để niềm hạnh phúc cứ ngấm ngầm chiếm trọn tâm trí. Lá thư đầu tiên được nhận là thư tình từ người yêu dấu, khi chẳng còn dám có mong đợi hoang đường về một lá thư tay.

Pigeon Farci by A Guy Who Cooks 6
Click để xem ảnh lớn.
Nhắc tới thư tình, người Pháp hẳn là bậc thầy vì tiếng Pháp bản chất đã là một thứ ngôn ngữ đậm chất tình. Thế nhưng nghịch lý là dân tộc này lại đưa sứ giả của những bức thư tình và biểu tượng của hòa bình lên bàn ăn như một món khoái khẩu. Với hầu hết phần còn lại của Châu Âu, việc ăn thịt bồ câu cũng ghê rợn không kém gì món ốc sên, tuy nhiên, thực tế bồ câu đã là đặc sản trên bàn tiệc của giới quý tộc Cựu Lục Địa từ thời kỳ Trung Cổ. Cho tới giờ, nó vẫn là món đặc trưng tại những nhà hàng Pháp đắt tiền, nơi đồ ăn được tinh chế và những bước cuối cùng giống như một màn trình diễn cho thị giác và khứu giác được thực hiện trên chiếc xe đẩy dừng ngay bên bàn ăn của thực khách. Nếu bỏ qua ý nghĩa biểu tượng, thì kể ra chẳng có gì mâu thuẫn giữa tình yêu mà dân Pháp dành cho cái đẹp và món bồ câu của họ, ở đây là tình yêu dành cho ẩm thực đẹp.

Pigeon Farci by A Guy Who Cooks 7
Click để xem ảnh lớn.
Người Pháp có không ít cách để chế biến chim bồ câu, hầu hết đều đẹp theo kiểu nắn nót và phức tạp, thể hiện sự kỳ công của những người Pháp mộ điệu trong việc ăn uống một cách rõ rệt. Nhưng công thức mà tôi yêu thích nhất có lẽ là Pigeon Farci aux Champignons et Noisette - chim câu quay nhồi hỗn hợp duxelles và hạt dẻ. Cá nhân tôi đặc biệt thích duxelles, có lẽ vì lần đầu được tiếp xúc với ẩm thực Pháp cao cấp vào dịp Giao thừa năm nào, tôi đã bị ấn tượng bởi hỗn hợp nấm với hương thơm quyến rũ tựa như khu rừng mùa thu. Và khi bồ câu được nhồi đầy hỗn hợp duxelles trong ổ bụng, quay trong lò đến khi chín vàng và xém dần lại trong ngọn lửa Cognac nồng nàn, ngọt ngào, hương thơm theo lửa, một phần khoác vào lớp da, phần khác tỏa khắp khắp gian phòng, sẽ gieo cơn mê say vào lòng người. Cái say nhẹ nhàng, mơn trớn tựa những dòng tâm sự ngấm từ bức thư tình dần vào trái tim ta. 

Pigeon Farci by A Guy Who Cooks 1
Click để xem ảnh lớn.

Nguyên liệu:
  • 2 con chim bồ câu lớn (cỡ 250-300g/ con), bỏ nội tạng, chân và đầu.
  • 50ml Cognac
  • 200 hạt dẻ nhỏ, rang chín và bóc vỏ.
  • 100g nấm mỡ.
  • 1/2 Tbsp bơ chảy.
  • 1 nhánh tỏi, băm nhỏ.
  • 10 cành thyme.
Duxelles:
  • 2 Tbsp bơ.
  • 300g nấm mỡ, băm nhỏ.
  • 1 củ hành tây, thái hạt lựu nhỏ
  • 3 nhánh tỏi, băm nhỏ.
  • 3 nhánh hành khô, băm nhỏ.
  • 3 cành parsley, băm nhỏ.
  • 5 cành thyme, tuốt lấy lá.
Sốt kem nấm Cognac:
  • 200ml kem tươi.
  • 100ml nước hầm xương gà.
  • 30ml Cognac hoặc rượu Brandy.
  • 1 Tbsp bơ.
  • 1 củ tỏi tây, thái mỏng.
  • 1 Tsp mù-tạt Dijon.
  • 1/4 tsp nutmeg, bào bột.
Pigeon Farci by A Guy Who Cooks 2
Click để xem ảnh lớn.
Cùng vào bếp nhé: 
Duxelles:
  • Đun nóng bơ, xào hành tây trên lửa lớn cho đến khi chuyển màu trong suốt thì hạ lửa nhỏ và thêm hành khô, tỏi và nấm vào, đảo đều đến khi tất cả chín mềm.
  • Thêm thyme và parsley vào hỗn hợp, đảo thêm khoảng 1' trước khi tắt bếp.
Sốt kem nấm Cognac:
  • Đun nóng bơ, xào tỏi tây với đến khi chín mềm rồi thêm 1/3 lượng duxelles vừa chế biến ở bước trên vào, đảo đều.
  • Thêm nước xương gà và đun trên lửa to đến khi cạn còn 1/3 thì thêm kem tươi, mù-tạt và Cognac vào, đun tiếp trên lửa vừa khoảng 5' đến khi hỗn hợp sệt lại.
  • Thêm nutmeg vào sốt và đảo đều.
Pigeon Farci:
  • Dùng giấy thấm khô bề mặt da, ướp bồ câu với chút muối và tiêu. Chú ý ướp cả phía trong ổ bụng.
  • Bật lò 220°C, để khoảng 10' cho nóng lò.
  • Trộn 1/2 lượng hạt dẻ với lượng duxelles còn lại, nhồi hỗn hợp này vào ổ bụng bồ câu cho căng. Cuộn các cành thyme lại và nút vào cho duxelles không rụng ra trong quá trình quay. Buộc 2 chân của mỗi con bồ câu vào nhau, và xiên vào xiên quay.
  • Lắp xiên quay vào lò, bật lò và quay trong 25-30' đến khi da chín vàng.
  • Xóc đều lượng nấm và hạt dẻ còn lại trong bơ chảy, tỏi và một chút thyme, đổ vào khay nướng và đặt ngay dưới bồ câu để hứng mỡ chảy xuống, tăng hương vị cho nấm. Nướng trong khoảng 5-7' thì bỏ khỏi lò.
  • Khi bồ câu chín, gắp lên chảo, đổ cognac vào đó, đun trên lửa to cho đến khi bốc hơi thì dùng bật lửa đốt hơi cồn bốc lên. Dùng kẹp kim loại để đảo đều bồ câu trên chảo cho xém đều tát cả các mặt. Nếu còn rượu sót lại, hãy đổ vào nước sốt.
  • Xẻ đôi mỗi con chim, chia đều phần nhân nhồi ra các đĩa cùng với nấm và hạt dẻ nướng. Ăn kèm sốt nóng.
Pigeon Farci by A Guy Who Cooks 5
Click để xem ảnh lớn.
Chúc bạn ngon miệng!

You Might Also Like

0 comments

Bài viết nổi bật

Youtube

Facebook