Giống như sự luân chuyển của tiết khí, như những vụ mùa, chẳng thể có được khi thời gian hữu hạn dành riêng cho nó đã qua đi, trà hoa bưởi tươi chỉ có thể thưởng thức được trong những ngày xuân mới. |
Mùa hoa bưởi cũng là khoảng thời gian duy nhất trong năm mà tôi có thể thưởng thức thứ trà hoa mang hương vị tươi tắn do bản thân tự tẩm ướp. Trà hoa bưởi đúng chẳng phải của hiếm, chúng có thể dược tìm thấy trong một cửa hiệu bán trà kiểu truyền thống bất kỳ và kể cả ở những hiệu trà mang hơi hướng trẻ trung hơn. Thế nhưng đó là trà ướp hoa đã được xao khô để tiện bảo quản và lưu trữ quanh năm chẳng thể có được cái hương thơm tươi tắn, căng tràn nhựa sống trong món tinh hoa mà tôi vẫn tự thưởng cho mình trong những ngày này. Giống như sự luân chuyển của tiết khí, như những vụ mùa, chẳng thể có được khi thời gian hữu hạn dành riêng cho nó đã qua đi, trà hoa bưởi tươi chỉ có thể thưởng thức được trong những ngày xuân mới.
Người ta cho rằng uống trà là nghi thức để kiếm tìm chữ tịnh trong tâm, chẳng phải tự nhiên mà trà là thức uống của các vị thiền sư và những bậc học giả trong suốt chiều dài lịch sử của các quốc gia Đông Á. Thế nhưng nếu chỉ dừng lại ở uống, chẳng bao giờ là đủ để cảm trọn vẹn những nét tinh túy của loài cây lá đặc biệt này. Phải bỏ lại đằng sau tất cả: cái tôi, địa vị, bản ngã để trở thành một "trà nô" khiêm nhường thì mới mở được tâm mà hiểu thấu cái lý của trà và niềm vui thực sự của việc thưởng trà. Quay trở lại những ngày xưa cũ, chẳng hiếm những vị vua chúa đứng trên thiên hạ nhưng lại kính cẩn cúi mình trước trà mà tự nhận bản thân là một "trà nô". Hoàng đế Tống Huy Tông chiêm nghiệm về trà qua việc xắn tay làm trà từ búp tươi cho tới thành phẩm như một nhà nông, một thợ thủ công đích thực để cuối cùng, để lại cho hậu thế tác phẩm Đại Quan Trà Luận mà đến giờ vẫn là sách giáo khoa của những trà nô hậu thế. Chúa Trịnh Sâm đã sống cùng điển tích "trà nô, tửu tướng" như một chuẩn mực nghi thức cho những kẻ sành sỏi: uống rượu phải có người hầu cận, dùng trong lúc hân hoan như thể một công thần dự yến còn với trà thì phải khiêm nhường như kẻ nô bộc, nhất định phải tự tay phối chế để thưởng thức.
Tôi không có một tác phẩm lưu danh thiên cổ về trà, cũng không hy vọng sẽ để lại điển tích nào cho người đời noi theo. Dù xưa kia nhiều bậc tiền nhân luôn coi khinh nhữn loại trà ướp hương nhưng với tôi mà nói, trở thành một trà nô trong mỗi mùa hoa lá là một thú tiêu khiển để những ngón tay thơm thơm hương hoa bưởi ngọt ngào lẫn với cái man mát của trà trắng, để được thấp thỏm đợi chờ đến khi mở lớp giấy gói và đem trà đã đượm hương xuân ra pha. Để được loay hoay với ấm chén, với nước, với lửa, với trà theo một cách cẩn trọng và tỉ mỉ hết mực, tựa như chăm con mọn. Và cuối cùng, được hưởng trọn những công sức đó trong một chén trà trong veo như mặt hồ mùa thu, ấm áp trong lòng bàn tay những ngày đầu năm vẫn còn chút sương sớm lành lạnh. Khi thưởng trà, giống như đứng trước gương ta thấy được mình trong đó, cả mặt đúng và mặt sai, tất cả những gì ta đã làm với trà đều được thể hiện trọn vẹn trong chén nhỏ kia.
Người có tuổi thích dùng trà Mốc Cau (cũng gọi là Móc Câu) của xứ Tân Cương - Thái Nguyên để ướp hoa bưởi cho vị ngọt hậu và chất nước xanh mát mắt. Cá nhân tôi lại chuộng dùng trà trắng Shan Tuyết cổ thụ của vùng cao Tà Xùa, một phần bởi sắc trắng hơi ngả vàng của chất nước nom thật hài hòa với những cánh hoa vô thức theo dòng mà đọng lại dưới đáy chén, mặt khác cái vị thanh nhã, dịu dàng của bạch trà xem ra phù hợp hơn cả để hương hoa bưởi có đất để phô diễn mà chẳng bị lấn át. Dù là theo cách nào, chẳng tồn tại đúng và sai bởi cũng đa dạng như nhân loại, mỗi loại trà đều phản chiếu chính kẻ trà nô đã làm nên chúng. Ta chỉ sai khi không dành đủ sự trân trọng mà làm hỏng trà, không đủ cần mẫn mà phí hoài hương hoa mà thôi. Tôi thích việc lưu lại những ký ức và cảm nhận sự luân chuyển của tháng năm bằng hương và vị. vì lẽ đó mà tôi chẳng dám bỏ lỡ việc chế chút ít trà trắng hoa bưởi để in những hương vị của tiết Xuân vào tiềm thức. Chỉ chút ít thôi, vừa để thiêu thiếu thèm thèm. Nhiều quá lại chẳng gợi được thương nhớ, mặc cho đôi lúc nổi lòng tham xuất phát từ nỗi sợ mơ hồ: biết đâu giờ này năm sau cái giống hoa này lại không từ mà biệt như bọn chim Dodo.
Một chút về việc ướp trà...
Những gì bạn cần:- 50g trà shan tuyết Tà Xùa.
- 5 bông hoa bưởi.
- 1 bao giấy xi măng cỡ nhỏ.
- Với hoa bưởi, hãy đảm bảo là hoa sạch, không dính thuốc bảo vệ thực vật. Nếu cẩn thận hãy rửa với nước để sạch cát bụi rồi để cho thật khô trước khi dùng, chú ý tuyệt đối không được làm ướt phần nhụy và nhị hoa.
- Chúng ta chỉ dùng phần nhị hoa (sợi trắng có đầu vàng) và cánh hoa để ướp trà. Phần nhụy và đài hoa màu xanh nên để lại vì phần này nhiều nước, dễ làm trà bị thiu trong quá trình ướp. Nhụy hoa có thể dùng để chưng cất tinh dầu hoặc đun nước gội đầu rất thơm.
- Dùng thìa gỗ, rải một lớp trà vào đáy bao, sau đó rải cánh và nhị hoa lên trên. Cứ thế lặp lại đến khi hết trà và hoa. Đóng kín bao giấy lại và mở ra đảo đều mỗi 3-4h để hơi nước không bị đọng và làm trà có mùi thiu. Bao giấy cũng có tác dụng hút ẩm từ hoa và trà để đảm bảo không làm hỏng trà.
- Sau khoảng 12h, trà đã có thể được sử dụng. Có thể bảo quản trà trong bao giấy và tốt nhất hãy dùng trong 5 ngày.
- Nhiệt độ nước pha trà hoa và trà trắng nói chung chỉ cần ở tầm 75-85°C. Nước vẫn phải đun sôi nhưng sau đó chờ nguội đến độ này mới lý tưởng để không hủy hoại hương hoa và vị dịu ngọt của trà trắng. Nếu ấm nước không có chức năng đo nhiệt thì sau khi đun sôi, bạn có thể mở nắp ấm và để nguội khoảng 3-4' sẽ đạt nhiệt độ tầm này.
- Chỉ dùng 2-3g trà cho một người nghĩa là khoảng 1 thìa cà-phê.
- Trà hoa khi pha không được ngâm lâu nếu không muốn trà bị gắt và chuyển vàng. Nước đầu để làm trà nở trong 40s rồi bỏ đi. Nước thứ hai chỉ ngâm khoảng 30s rồi rót hết ra chén để thưởng thức. Nước thứ ba thêm 5s và thứ tư thêm 10s, có thể uống đến nước thứ tư mà vẫn còn đủ mùi vị.