Viết #5: Trung Thu lạc mất đâu rồi?
tháng 10 05, 2017Những điều giản đơn, nhạt nhẽo nhưng dư vị ngọt ngào hơn tất thảy những gì ta đang có cho đêm trăng Rằm hôm nay. |
Tôi yêu Trung Thu của những năm cuối thập niên 90. Có lẽ với những thế hệ lớn hơn thì nó chẳng phải phiên bản tốt nhất, nhưng là "Trung Thu" duy nhất mà tôi biết qua nhãn quan của một đứa trẻ và sẽ mãi ở nguyên như vậy. Chẳng phải kiểu đêm Trung Thu cổ điển như bạn đang kỳ vọng được nghe kể mà đó là buổi nhá nhem giữa truyền thống và hiện đại. Đó là khi quầy mặt nạ giấy bồi san sát với những quầy treo đầy mặt nạ nhựa mỏng tang với tạo hình nhân vật phim Bao Công và Tây Du Ký, lượng mẫu mã cũng chỉ tương đương nhau, chả ít, chả nhiều. Là khi đao kiếm làm bằng thứ nhựa xanh đỏ rẻ tiền, đầy ba-via quanh chuôi và lưỡi kiếm dù hấp dẫn nhưng cũng không chiếm mất ánh hào quang của quầy đèn trung thu truyền thống ở kế bên. Là khi mùi diêm sinh cháy thơm thơm nơi ổ đạn nổ lép bép của những khẩu súng lục nhựa quyện lấy mùi dầu hỏa khét lẹt trong tiếng lạch phạch của chiếc tàu chiến sắt tây đang bơi trong chậu nhôm. Trở lại ngày đó, khu chợ Hàng Mã có một sự hài hòa đến lạ kỳ, khi cái mới, cái cũ cùng nhau tồn tại chẳng chút ý đồ lấn lướt.
Thế nhưng hai chữ Trung Thu cũng không chỉ là những thứ vật chất hữu hình, chẳng phải cứ treo đèn lồng giấy kính thì đã là đúng chất Trung Thu. Chuyện này giống như việc bạn mặc đồ cổ trang đi dạo trên phố, là một vở diễn chẳng hơn chẳng kém, vụng về đến lố bịch. Trung Thu của tôi chẳng thế thiếu bữa phá cỗ với trẻ con trong khu, ngay con đường trong ngõ nhà. Chẳng có gì nhiều, chỉ là cái chõng tre với những thức quà bình dị, cốm xanh gói trong lá sen, dăm ba quả chuối chín, con chó bưởi bông xù, ít kẹo bánh, hoa quả linh tinh mấy cái bánh nướng bánh dẻo quê quê mộc mộc. Chẳng thể thiếu cái bánh nướng hình lợn mẹ với đàn con đang bú hay một con "lý ngư" bằng bánh dẻo với đôi mắt chấm đỏ. Chỉ vài ba thứ bình dị như vậy mà cũng khiến người ta phải mong ngóng cả năm ròng, ngóng đợi như thể chờ được nếm miếng ngon cất kỹ trong tủ của bà. Trung Thu khi đó chẳng có những hộp bánh đắt tiền, chẳng có những chốn vui chơi phù phiếm, ta đã đều đón đêm trăng tròn trong cái sự thiếu thốn mà phải chấp nhận là tạm đủ, với những điều giản đơn, nhạt nhẽo nhưng dư vị ngọt ngào hơn tất thảy những gì ta đang có cho đêm trăng Rằm hôm nay. Cái thèm là một đặc quyền của thời khốn khó và là điều xa xỉ khi ta đã quá đủ đầy - sự đủ đầy đã giết chết đêm Trung Thu cũ và khoét sâu một khoảng trống hụt hẫng trong tim những người vẫn nhớ về nó.
Nhiều năm nay, tôi đã tránh xa phố xá đông đúc trong những ngày lễ lạt. Sau bữa ăn với gia đình và bạn bè thân thiết, tôi ngồi lại trên sân thượng, ngắm bầu trời đêm, tận hưởng sự tĩnh lặng hiếm có bởi hôm nay người ta đã đổ lên phố cả. Bầu trời rất sai, sự im lặng cũng rất sai. Khoảng trời khi trước thật rộng bởi nhà cửa xung quanh chưa xây cao như giờ, che khuất hết những mảng xanh tối huyền bí. Trăng khi xưa thật tỏ, vì đèn điện chẳng sáng rực như tối hôm nay. Rồi tiếng trống múa lân của đám choai choai trong khu giờ đã mất đâu rồi? Lũ choai choai đó đã lớn cả còn bọn trẻ hậu bối của chúng giờ dang được mướn múa cho một nhà hàng nào đó trên phố lớn, có lẽ vậy.
Trăng vẫn ở đó, tròn đầy và sáng trong nhưng Trung Thu lạc mất đâu rồi?
0 comments