f Viết #6: Chuyện phê bình ẩm thực - A Guy Who Cooks

Viết #6: Chuyện phê bình ẩm thực

tháng 10 27, 2017

Critics
Trước hết, xin hãy để "con ếch" này mượn lại chút ý tứ sắc sảo từ bài phê bình của Anton Ego trong bộ phim Ratatouille.
Hiểu theo cách này hay cách khác, thì cái việc đi thẩm định và viết về đồ ăn thật dễ dàng. Chúng tôi chẳng phải mạo hiểm gì nhiều trong khi được tận hưởng đặc quyền đánh giá thành quả lao động của người khác. Đôi khi, với một vài cây viết có tiếng thì đặc quyền chẳng dừng lại ở đó mà nó còn có ảnh hưởng nhất định lên con đường sự nghiệp hay quan điểm của một nhóm độc giả dành cho những đầu bếp, nhà hàng mà họ đánh giá. Thú thực rằng, chúng tôi rất thích khi bắt được khuyết điểm để viết những dòng chê bai, bởi viết ra hay đọc được chúng đều rất thú. Một mặt đó là sự thỏa mãn cho phần xấu xa có sẵn trong xương tủy của mỗi con người. Phần còn lại chia đều cho khát khao thể hiện bản ngã, khẳng định vị thế và ham muốn được đám đông vỗ tay tán thưởng.

Thật kỳ lạ là loài người rất có hứng thú với việc chỉ trích lẫn nhau, kể cả khi sự việc được nói tới không hề liên quan tới bản thân họ. Điển hình là nét văn hóa xấu xí mang tên: "bóc phốt", "hóng phốt" và "ném đá" mà nhiều người trong chúng ta vẫn góp phần mỗi ngày. Điều đó vô tình đã thúc đẩy những người viết có xu hướng chê bai, càng thậm tệ càng ít, bởi đã tồn tại một vết lằn trong suy nghĩ của họ rằng: "Phải chê bai mới nhiều người xem, khen người ta lại nghĩ là PR" hay thậm chí là: "Biết nhiều hơn người thì mới có tư cách chỉ trích, phải chê thì mới đáng nể". Tôi không phủ nhận rằng mình đã từng có vết lằn trong tâm tưởng như trong vế thứ 2, nhưng rồi khi ngẫm lại thì ai biết được hết vạn sự trên đời? Chúng ta đều là những con ếch, chỉ có cái giếng to nhỏ, nông sâu là khác nhau mà thôi và những gì ta viết trên trang cá nhân, trên một hội nhóm nào đó cũng chỉ là tấm gương phản chiếu lại khoảng trời mà ta nhìn thấy được nơi đáy giếng.

Để cho công bằng, tôi tạm san bằng tất cả các yếu tố ngoại thân khiến cho những cái giếng có sự chênh lệch về kích cỡ mà gọi tất cả chúng ta là: "những thực khách". Điều ngang trái mà đám thực khách chúng ta phải đối mặt là: khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh, ngay cả một thứ "rác rưởi" cũng có thể giàu ý nghĩa hơn những gì chúng ta đóng mác cho nó bằng luận điệu phê phán của bản thân. Bạn có thể không biết câu chuyện đằng sau, nhưng vẫn có thể tự tin đánh giá như thường, với chút lòng tin của một nhóm người nào đó. Xét trên một khía cạnh khác, nếu có dành dù chỉ đôi chút tâm huyết thực sự vào những dòng viết của mình, bỏ qua yếu tố vụ lợi thì cũng đến lúc mà ta rơi vào hoàn cảnh phải chọn liều một phen, sự liều lĩnh để khám phá và bảo vệ cho những điều mới mẻ đến kỳ cục. Thế giới này vốn không ưu đãi những điều mới mẻ, trong khi chúng rất cần những sự hỗ trợ thân tình. Như chuyện món gà Cung Bảo ở một nhà hàng Trung Quốc nọ bị hỏi vì-sao-cay-xè, như bánh Castella của một hiệu mới mở bị chê nhạt, khô và cứng. Hay ở nhiều nhà hàng bán steak cho đến giờ này, mỗi ngày nhân viên vẫn khổ sở với việc thuyết phục khách hàng dùng phần tenderloin ở độ tái để hương vị được mềm ngọt nhất. Mà kể cả khi đã được cảnh báo trước như vậy, ta vẫn hoặc bỏ ngoài tai, hoặc cố hoặc làm ngược lại với những gì được tư vấn để rồi sau đó, mọi sự không hài lòng đổ trọn lên đầu nhà hàng. Từ bao giờ ý kiến và sở thích ăn uống của riêng một cá nhân lại trở thành chân lý? Dựa vào đâu mà người ta cho mình cái quyền được chê bai một cách thoải mái, kể cả với những thứ nằm ngoài tầm hiểu biết của bản thân? Vì sự sĩ diện mà ta cố bảo vệ khi ý thích của cá nhân đi ngược lại với chuẩn mực thực sự khiến ta quê mùa hay đơn giản vì quyền lực "thượng đế" mà quan niệm truyền thống đã ban vào tay ta? Nếu vì sĩ diện, ta nên khiêm nhường và cầu thị hơn để tránh chuyện tương tự tái diễn. Nếu vì hai chữ "thượng đế", như tôi từng viết trước đây không quá lâu: nếu muốn làm thượng đế, trước hết hãy cư xử như thượng đế.

Tôi là ai mà tự cho mình nói lên những điều này? Cũng như bạn thôi, tôi nói tất cả những điều này với danh nghĩa là một thực khách, tôi thích viết về những trải nghiệm ẩm thực, có kinh nghiệm kha khá trong lĩnh vực này và cũng đã từng được người ta trả công cho những bữa ăn và những bài viết ẩn danh phi lợi nhuận của mình. Độ này tôi không còn đăng những bài chê bai đanh thép như xưa. Không phải vì trót há miệng mắc quai miếng ăn của người ta mà chỉ dám viết theo kiểu "đẹp khoe xấu che". Tôi nhận một lời mời đồng nghĩa với việc phía đối tác đã chấp nhận nguyên tắc bất thành văn: nếu tôi thích nhất định tôi sẽ viết về họ, nếu trải nghiệm không tốt tôi sẽ không dành giấy mực cho họ. Vậy những phê phán để dành nơi đâu? Tôi giữ cho riêng mình, với một mục đích mà chỉ tôi và họ cần biết. Tôi từ bỏ việc chê bai vì muốn blog của mình là nơi người ta tìm đến để thỏa mãn nhu cầu về cái hay, cái đẹp, cái mới mẻ, không phải nơi để tìm kiếm những khuyết điểm của kẻ khác. Nói vậy không có nghĩa rằng tôi kỳ thị những bài phê bình mang tính chê bai. Thực ra tôi vẫn muốn có ai đó ngoài kia, kỹ tính và bền bỉ với những bài viết như vậy. Tôi mong người ta lại viết những bài phê bình như xưa: hiểu biết, cẩn trọng và chặt chẽ. Nếu chưa biết chỉ nói "không hợp" thay vì "không ngon", nếu hiểu cặn kẽ hãy nói ra thật mạch lạc như điều mình hiểu. Và mong những phê phán không phải từ trải nghiệm một lần bởi ai cũng có ngày tồi tệ. Hãy nhớ, ngay cả với những chuyên gia thẩm định của Michelin, một ngôi sao được gắn thêm hay bị tước khỏi biển tên của nhà hàng cũng không phải kết quả của một lần thẩm định duy nhất.

You Might Also Like

0 comments

Bài viết nổi bật

Youtube

Facebook