f Bruno Menard - Triết lý cho đi - A Guy Who Cooks

Bruno Menard - Triết lý cho đi

tháng 10 09, 2017

Action 2
Ảnh: French Grill
Tôi nghĩ rằng, chẳng hào quang nào có thể rực rỡ hơn thứ ánh sáng vô hình tỏa ra từ những người có niềm đam mê bất tận với công việc họ đang làm. Mỗi người đều có một cách riêng để tỏa sáng, nhưng chắc chắn không phải bằng những danh hiệu hay giải thưởng, người ta đạt được chúng như kết quả tất yếu của quá trình "hữu xạ tự nhiên hương" chứ không phải ngược lại. Với một bếp trưởng, ánh hào quang lan tỏa qua những món ăn. Đó là khi những hương vị thấm vào gai vị giác và khiến tâm trí kẻ thụ hưởng trở nên bừng sáng, như một màn trình diễn pháo hoa ngoạn mục đến hoang đường. Ánh hào quang đến từ sự ái mộ và khâm phục và đôi lúc là cảm giác được khai sáng ở những người tìm được niềm thỏa mãn trên thành quả lao động của họ. Chỉ vài ngày trước thôi, tôi đã cảm thấy mình thực sự được khai sáng khi ghé thăm French Grill. Không phải là ánh mặt trời rực rỡ vẫn thường nhảy múa qua những ô kính lớn đặc trưng của khách sạn JW Marriott mà là ánh hào quang của một vị bếp trưởng mang niềm đam mê sâu sắc với mọi phong vị trên đời. 

Trước khi đến French Grill, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ phải xin chef chút thời gian riêng sau khi những khách mời khác đã ra về để phỏng vấn một chút về sự nghiệp và cuộc đời của nhân vật đặc biệt này. Nhưng khi buổi trình diễn bắt đầu, tôi cảm thấy hầu hết những câu hỏi đó không cần phải dùng đến nữa. Bruno Menard là một người hoạt ngôn hơn tôi nghĩ. Qua những gì được ông chia sẻ trong suốt sự kiện, tôi gần như đã có đầy đủ chất liệu phác lại hành trình đạt đến thành công của một cậu bé người Pháp, giờ đã là một chuyên gia tư vấn ẩm thực, một đầu bếp đã từng giành 3 ngôi sao Michelin và một người đàn ông đáng nể. Câu chuyện đó xin để lại phần sau cùng của bài viết, như khay pho-mát trong bữa ăn của người Pháp: những miếng ngon đậm hương, giàu vị đó luôn được để lại đến cuối cùng, khi ta nhấm nháp nốt những giọt vang nơi đáy ly.
King Crab w Yukari & Aonori
Cua hoàng đế với củ cải muối Yukari, Aonori và Yuzu. Ảnh: French Grill
Menu lần này của Bruno Menard khiến cho tôi liên tưởng tới một nhà soạn nhạc kiêm nhạc công tài hoa, người biết cách phối lại một bản giao hưởng cổ điển bằng những nhạc cụ, nhạc khí đậm chất Á Châu. Nói một cách khác, trong mỗi món ăn của Bruno, ta đều nhận ra cái gốc Pháp đặc sệt nhưng khi nhìn vào thành phần mỗi món ăn, cảm lấy mùi hương của chúng thì âm hưởng châu Á lại mạnh mẽ chẳng kém gì. Hãy soi vào món Amuse-bouche "Cua hoàng đế với củ cải muối Yukari, Aonori và Yuzu". Theo cảm nhận của cá nhân tôi, nó giống như một tiếng chuông, tiếng chuông rung động mọi giác quan, thức tỉnh mọi cảm xúc. Cua hoàng đế được luộc trong nước muối biển, thật đậm đà mà không lấn át cái vị ngọt thanh mát tự nhiên. Khoai tây nghiền trộn với sốt mayonnaise Nhật với độ  sánh vừa phải và vị ngậy dịu nhẹ, như chất kết dính hoàn hảo mà không lấn át bất kỳ mảnh hương vị tinh tế nào. Thế nhưng món ăn sẽ chẳng thể để lại ấn tượng mạnh mẽ nếu thiếu đi lát củ cải trắng muối theo một cách thật cầu kỳ. Lát củ cải trắng phau, lấm chấm những mảnh xanh xanh, tím tím. Đó chính là Anori và Yukari, một loại là rong biển khô với vị ngai ngái xanh tựa cỏ dại, loại còn lại là lá tía tô muối cơ hương thơm chua nhẹ tựa ô mai. Những hương thơm nhè nhẹ quyện vào miếng củ cải giòn sật, chua chua, ngọt ngọt điểm thêm những mảnh vỏ Yuzu sáng bừng cả vị giác. Coi việc ăn uống tinh tế giống như một nghi lễ, tôi cảm thấy sự bừng tỉnh khi cảm nhận những mảnh hương vị đó, khá tương đồng với khi nghe tiếng chuông thỉnh lên trên phòng thờ mỗi sớm Mùng Một.
Beet 1
Tartar củ dền và sò điệp với sốt tiêu hồng, va-ni và dầu mè. Ảnh: French Grill
Nếu Amuse-bouche là tiếng chuông thì món khai vị lạnh là tiếng mõ. Món cua hoàng đế cho ta hứng khởi và cảm giác như được khai sáng còn món "Tartar củ dền và sò điệp với sốt tiêu hồng, va-ni và dầu mè" lại là một tạo tác được soạn nên bởi những nốt trầm. Củ dền băm trộn trong sốt tartar với những mảnh dưa chuột muối li ti có vị chua chua, ngầy ngậy kèm thêm mấy mảnh sò điệp thơm lừng, vài sợ arugula bùi bùi, the the được cân lại bằng mấy sợi củ cải và củ dền chua chua, ngọt ngọt. Cuối cùng là hợp âm của những nốt rất trầm: dầu mè, va-ni và tiêu hồng phủ lên trên tất cả một hương thơm vừa bùi, vừa ngọt. Thế nhưng phần thi vị nhất của món ăn lại không lộ diện mà thoắt ẩn thoát hiện mỗi khi ta đi đến phần hậu vị, đó là loại gia vị bí mật mà nếu ta không để cho tâm thật tĩnh thì thật khó để cảm nhận. Đó là hương hoa Geranium, một mùi hương ngọt như hoa hồng, đắng như hoa cúc mà lại hoàn toàn chẳng giống một trong hai thứ trên, nó trầm mặc như một tiếng mõ khiến ta phải ngẫm khi cảm nhận, và trong cái cảm đó, thấy như vạn vật xung quanh chậm dần lại. Nói về thứ gia vị bí mật của mình, chef Bruno Menard chia sẻ rằng mình đã bén duyên với loại nguyên liệu đặc biệt này trong một chuyến đi tới miền Nam nước Pháp, nơi ông đã gặp gỡ một người bạn đặc biệt, cũng là tác giả của loại hương thơm đó. Sở dĩ hương hoa chân thực đến vậy là vì nó được chưng cất tinh dầu bằng một công nghệ độc đáo ở nhiệt độ 60°C thay vì nhiệt độ thông thường là 90°C, nên ít gây ảnh hưởng đến các phân tử mùi hương hơn. 
Soup 1
Súp bí nghệ. Ảnh: French Grill.
Món khai vị nóng"Súp bí nghệ" là một bất ngờ đầy thú vị, giống như một khúc nhạc dịu êm. Nó không nằm trong menu của buổi nếm thử mà là món mời của bếp trưởng theo kiểu lịch sự đậm chất Pháp để tỏ lòng cảm kích với chúng tôi - những người đã dành thời gian đến dự sự kiện ngày hôm đó. Không giống với kết cấu súp bí thông thường mang cái vẻ mềm mại kem mượt, súp bí của Bruno Menard có độ đặc cao hơn. Dựa vào kết cấu và hương vị, tôi đoán rằng súp đã được nấu với roux* thay vì kem tươi, đem lại cái ngậy thơm đặc trưng của bơ và cảm giác sánh đặc không thể nhầm lẫn. Thế nhưng chi tiết đắt giá nhất của món ăn không nằm ở cái chất súp kỳ lạ đó mà là trong hương vị của lớp bọt sữa được phủ lên trên nó: là vị trầm trầm, bùi bùi, đắng nhẹ của hạt cà-phê và âm ấm, bay bay của bạch đậu khấu. Bọt sữa nhẹ tan cùng với hương thơm của hỗn hợp gia vị đặc biệt kia giống như yếu tố cân bằng lại độ đặc và ngấy của súp, xóa tan thành kiến thường thấy về món ăn này. Tôi chưa bao giờ yêu thích món súp bí đỏ nhưng ngày hôm nay, ít nhất đã có một món súp bí qua được blacklist và ghi dấu trong tâm trí.

*: Hỗn hợp bơ xào với bột, thường để làm đặc nhiều loại sốt Pháp.
Cod 1
Cá tuyết hấp với nhũ tương vang Chardonay. Ảnh: French Grill
Món chính "Cá tuyết hấp với nhũ tương vang Chardonay" là đoạn cao trào của bản nhạc. Mọi thứ nghe qua có phần hỗn loạn đôi chút nhưng khi kết hợp lại với nhau lai là một tổng thể hài hòa, có chính, có phụ. Điều tôi thích nhất trong món ăn này là kết cấu của cá tuyết, nó tan ra trong miệng như một miếng bơ chảy, từng thớ thịt nhẹ trượt khỏi nhau như bông bồ công anh tan vào cơn gió heo may, đây hẳn là kết quả của quá trình nấu sous-vide*. Thứ sốt vàng ươm, bông bọt trong lòng đĩa là hỗn hợp của dầu ô-liu, trứng cùng với giấm vang trắng và rượu Chardonay, hòa quyện vào nhau thành một thể nhũ hóa, nửa giống sốt Beurre Blanc, nửa giống Hollandaise nếu nếm riêng sẽ thấy vị chua hơi găn gắt. Thế nhưng nếu là một miếng đủ tất cả mọi thứ, hương vị sẽ được cân bằng lại một cách lạ kỳ. Chút vị ngọt của cá, vị mặn trong những miếng crouton giòn tan, vị bồn bột của khoai nghiền, những đốm trứng cá hồi beo béo, mằn mặn, những mảnh trứng gà bóp vụn bùi bùi và chẳng thể thiếu bộ ba chive, dill và chevril đem những hương thảo mộc tươi mát cho nốt vị cuối của món ăn.
*: Nấu chậm ở nhiệt độ thấp, đảm bảo được độ mềm và độ ẩm của nguyên liệu.
Choco 2
Chocolate Marou và Griotte. Ảnh: French Grill
Và cuối cùng cũng tới phần đáng mong đợi nhất, món tráng miệng với cảm hứng từ bánh Black Forest. Đoạn kết ngọt ngào mang tên "Chocolate Marou và Griotte", tôi dám cá rằng ngay cả một đứa trẻ hư hỏng bậc nhất cũng sẽ trở nên ngoan ngoãn dài dài chỉ để được đổi lấy món tráng miệng này. Chiếc ly thủy tinh nhỏ bé mang trọn giấc mơ hoang đường nhất mà một đứa trẻ có thể có, những quả cherry chua (griotte) ngào đường đỏ au, một xúc kem sorbet cherry sẫm hồng lạnh tê răng, những miếng bánh chocolate chỉ ngửi thôi đã béo cả mũi, chóp kem mềm bồng bềnh như mời gọi với đủ các loại vụn chocolate nhỏ xíu được chế tác kỳ công với phần lõi giòn tan được rắc lên bên trên. Khi món tráng miệng được dọn lên bàn, bản thân tôi dường như cũng bé lại trong vô thức, tận hưởng ngấu nghiến niềm vui với miếng ngọt tuyệt ngon này. Tôi thích Marou và Chef Bruno cũng vậy, vị đắng thoáng chua đậm đà trong những miếng bánh, quyện lấy vị chua của cherry và trôi đi thật êm ái.

Điều tuyệt diệu nhất không phải là việc được gặp gỡ một con người đáng nể mà là khi người không chủ đích dạy mà bạn lại học được rất nhiều. Trong một vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi, tôi đã học được ở Bruno Menard nhiều hơn những gì mà ông có thể tưởng tượng, tôi chắc là vậy. Không thể nói rằng tôi sẽ nấu lại được những món ăn xuất sắc hệt như những gì mà ông đã thể hiện, nhưng chắc chắn rằng những sự kết hợp hương vị đó, những câu chuyện đó đã thực sự khai sáng và truyền cảm hứng cho kẻ ngu muội này. Hôm đó, thế giới của tôi lại mở rộng thêm một chút.
Action 4

Chân dung một bếp trưởng 3 sao Michelin

"One Michelin star is good. Two is amazing. Three is only for the gods." - Đó là lời thoại của một bộ phim về ẩm thực trong danh sách yêu thích của tôi. Tôi hoàn toàn đồng tình với 2 vế đầu, nhưng còn vế sau cùng thì tuyệt nhiên không phải. Tôi phải thừa nhận rằng, mình rất may mắn khi hoạt động trong ngành ẩm thực mà lại có nhiều cơ hội gặp gỡ, trò chuyện cùng những vị bếp trưởng đã giành được 1, 2 hay thậm chí là 3 ngôi sao Michelin danh giá. Mỗi người mang một tính cách, một phong cách ẩm thực, một triết lý sống khác nhau, nhưng không ai trong số họ khiến tôi cảm thấy như mình đang tiếp kiến một vị thần trên ngai cao, trong ngôi đền được dựng nên bởi sự tán tụng của người đời. Những đầu bếp 3 sao Michelin, nói một cách chính xác hơn là những đầu bếp đã đem 3 ngôi sao cánh tròn về cho nơi mình làm việc cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt. Họ gắn bó đủ lâu với cái nghiệp của mình và trả đủ mồ hôi, nước mắt, nếm trải những trái đắng thất bại và cả vị ngọt thành công, để cuối cùng trở thành một trong số ít những người giỏi nhất trong ngành. Tất cả những gì họ có được là nhờ đam mê cháy bỏng và sự nỗ lực bền bỉ trong công việc, chút năng khiếu có thể giúp chặng đường bớt gian nan nhưng chắc chắn tất cả những gì làm nên 3 ngôi sao kia không phải là một siêu năng lực thiên phú như khi chúng ta vẫn nhắc đến thần thánh.

Chef Bruno Menard - người mà tôi có cơ hội được trò chuyện ít ngày trước cũng không phải ngoại lệ. Ban đầu, sự tập trung đến lạnh lùng và vẻ khó tính, cầu toàn trong công việc có thể đánh lừa bất kỳ ai rằng đây là một kẻ nghĩ mình ngang hàng thánh thần. Thế nhưng, khi bắt đầu lắng nghe câu chuyện được kể lại bằng thứ Tiếng Anh đặc sệt chất Pháp về cuộc sống, về nghề nghiệp, về đồ ăn và xen lẫn với những câu đùa vui nhẹ nhàng thì định kiến kia chợt bay biến như sương khói. 40 năm hoạt động trong ngành ẩm thực đã tôi luyện nên một con người thật đặc biệt. Đặc biệt thế nào? Hãy để tôi kể cho bạn câu chuyện dài này theo những gì đã được nghe và cảm nhận ngày hôm nay.

Về sự nghiệp:
"Tôi sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống ẩm thực, với ông nội và ông ngoại đều làm đầu bếp, bản thân cha tôi là một thợ chocolate. Vì vậy tôi vào nghề khá sớm, từ năm 16 tuổi với vai trò là người học việc trong một nhà hàng mang sao Michelin ở quê nhà. Từ đó, sự nghiệp của tôi luôn gắn liền với những nhà hàng mang tấm huân chương danh giá này. Điều đó có ý nghĩa thật đặc biệt bởi mơ ước của tôi từ tấm bé là trở thành một bếp trưởng có sao Michelin. Để đạt được sao Michelin, chỉ mong muốn đơn thuần không bao giờ là đủ, vị trí này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và sự học hỏi không ngừng nghỉ để hướng bản thân ngày càng đến gần hơn với sự hoàn hảo.

Trong những năm đầu của tuổi 30, tôi đứng trước một ngã rẽ quan trọng của cuộc đời mình: ở lại Pháp hoặc sang Nhật để vận hành một nhà hàng của riêng mình theo lời kêu gọi của cha. Và tôi đã chọn Nhật Bản, nhờ sự ủng hộ của cô vợ mới cưới khi đó. May mắn rằng người vợ hiện tại của tôi vẫn chính là cô ấy, cô ấy là tất cả với tôi. Sau khi ở đó 2 năm, tôi quyết định gia nhập Ritz Carlton Osaka. Chưa gặt hái được thành tựu đáng kể nào ngay trong lần đầu đến Nhật, nhưng chính trong khoảng thời gian này, tôi đã nhận được lời mời làm việc tại Mỹ. Lời mời đó được đáp lại bằng 5 năm làm việc ở phía bên kia bán cầu, dẫn dắt đội ngũ của mình để trở thành 1 trong 14 nhà hàng trên khắp Bắc Mỹ đạt được đánh giá cao nhất: 5 sao và 5 kim cương, khi đó, Michelin Guide chưa tới Mỹ. Sau thành công này, tôi đã có cơ duyên để trở lại nước Nhật.

Shiseido không chỉ là một công ty mỹ phẩm, họ còn có những khoản đầu tư trong lĩnh vực khác. Vào thời điểm đó, họ cần người dẫn lối cho một trong những tài sản đắt giá của mình trên con đường đến với 3 ngôi sao Michelin. Đó là L'Osier, 1 nhà hàng Pháp sang trọng và lâu đời bậc nhất ở Tokyo khi đó. Nguyên liệu ở Nhật rất tuyệt, chủng loại thật phong phú và hương vị thì đặc biệt, giàu cảm hứng. Chúng tôi đã làm việc cật lực,bằng những gì tốt nhất mà mình có thể trong suốt 2 năm và rồi vào một ngày đầu Thu năm 2007, Michelin Guide đã đến Nhật Bản, đem theo 3 ngôi sao dành tặng L'Osier. Chúng tôi đã giữ được 3 ngôi sao này liên tục trong 3 năm sau đó, cho đến khi L'Osier đóng cửa để sửa sang. Đó cũng là lúc tôi quyết định chuyển hướng sự nghiệp sang một con đường mới của một chuyên gia tư vấn ẩm thực, đại sứ thương hiệu và tham gia một chút vào ngành giải trí, như việc làm giám khảo cho chương trình Masterchef Asia.
Cod 2
Ảnh: French Grill
Về 2 chữ "Celebrity Chef":
Giờ đây, một vị bếp trưởng không chỉ giới hạn bản thân trong căn bếp. Khi trở nên nổi tiếng, anh ta có thể xuất hiện nhiều hơn trước truyền thông và có nhiều mối quan tâm khác ngoài công việc chính. Việc này rất tốt cho đến khi họ trở nên sa đà trong ánh hào quang của sự nổi tiếng. Dù danh tiếng lớn đến đâu, cuối cùng nhìn lại thì chúng tôi vẫn là đầu bếp, việc của đầu bếp là nấu nướng, là kết hợp các nguyên liệu theo cách của mình để phục vụ cho sự thỏa mãn của khách hàng, tất nhiên là bằng ngôn ngữ của hương vị. Một vận động viên sẽ là gì khi anh ta không tập trung luyện tập, đạt đến những đỉnh cao mới mà chỉ chăm chút ngoại hình? Chuyện này cũng hệt vậy. Các đầu bếp trẻ nghĩ rằng việc xuất hiện trên truyền hình, giống như tôi thật hào nhoáng và hấp dẫn. Và rồi người ta cũng muốn có show của riêng mình, nhưng điều đó thật khó khi bạn còn trẻ. Họ đã quên mất rằng tôi đã 52 tuổi và những gì thể hiện trên màn hình là kết quả của gần 40 năm cống hiến, hoàn thiện kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm. Một đầu bếp nên dành phần nhiều tâm huyết cho những công việc trong nhà bếp của mình. Tôi không phủ nhận rằng việc tham gia vào ngành giải trí cũng rất thú vị, tuy nhiên tôi luôn để nó xuống cuối trong danh sách ưu tiên của mình.

Về ảnh hưởng của đất nước Nhật Bản đến phong cách ẩm thực:

"Ở Nhật, mọi thứ vận hành theo một cách đặc biệt. Như trong khu chợ cá Tsukiji, mỗi nhà buôn đều chuyên môn hóa mặt hàng của mình. Có đến 800 gian hàng ở đây nhưng mỗi quầy hàng chỉ bán 1 mặt hàng duy nhất và thương nhân đã gắn bó với mặt hàng của mình bền chặt đến độ họ hiểu rõ về chúng và thao tác với chúng như một bậc thầy. Tinh thần Nhật Bản là vậy và đó là chính là điều tôi thích ở đất nước này. Khi được tiếp xúc với những người đã đạt đến mức thượng thừa trong lĩnh vực của họ thì bạn sẽ học được những điều tuyệt diệu và trở nên trưởng thành hơn. Và từ đó, sẽ thúc đẩy bản thân làm được những điều vượt qua giới hạn của chính mình, khiến những việc bất khả thi trở nên khả thi."

Về nguồn cảm hứng đã làm nên những tạo tác ẩm thực tinh xảo:
"Với tôi, cảm hứng luôn đến từ những mùa vụ. Mỗi mùa đến và đi, mùa khác lại tới, theo đó là những sản vật mới. Tôi chưa bao giờ đồng tình với ý tưởng một nhà hàng chỉ cần 1 menu theo mùa cho cả mấy tháng trời. Điều tôi nghĩ rằng đã là menu theo mùa thì nên thay đổi mỗi 2 tuần, mỗi tuần hay thậm chí là mỗi ngày. Mỗi sản vật đều có thời điểm chín muồi riêng, khi hương vị của nó đạt tới đỉnh cao, rồi sau đó sẽ phai nhạt dần để nhường chỗ cho một vụ mùa mới, một sản vật mới. Chính sự biến chuyển của thiên nhiên, sự đến và đi của các vụ mùa đã kéo tôi theo guồng công việc và sáng tạo ra những món ăn mới ."
Action 3
Ảnh: French Grill
Về những ngôi sao Michelin và triết lý ẩm thực:
3 ngôi sao Michelin không chỉ là mục đích trong cuộc đời mà còn là một lối sống. Tất cả chuyện này không phải chỉ là về việc nấu nướng. Trong khoảng 1 năm trước khi được phong sao Michelin, những nhà phê bình ẩn danh làm việc cho Michelin Guide đã đến nhà hàng của tôi 11 lần. Chúng tôi không biết họ là ai trong số hàng ngàn khách hàng đến và đi. Họ tới với chúng tôi để đánh giá về chất lượng món ăn, về tính đồng nhất trong sản phẩm và dịch vụ và quan trọng nhất, họ sẽ đánh giá xem chúng tôi có yếu tố mà họ gọi là: "đáng cho một chuyến đi" hay không. Ai cũng có thể nấu ăn, nhưng phải có điều gì đó thật đặc biệt thì mới có thể kéo thực khách từ khắp nơi trên thế giới tới trải nghiệm đồ ăn của bạn, như tôi đã nói việc này không chỉ là về việc nấu nướng. Một mình tôi chẳng thể làm được gì cả, tôi có những suy nghĩ và có khả năng chuyển thể những suy nghĩ đó thành những món ăn, bằng kỹ năng và cảm quan của mình. Nhưng tôi luôn cần đồng đội ở phía sau lưng mình, tôi đã có một đội tuyệt vời, họ luôn đảm bảo mọi thứ nhất quán và trơn tru, mỗi món ăn đều được làm ra với sự đồng nhất về kỹ thuật, về chất lượng nguyên liệu với niềm đam mê không bao giờ suy chuyển.

Tôi không nghĩ có khái niệm hoàn hảo thực sự trong nấu ăn vì ở đâu đó trên thế giới này, luôn có những thứ tốt hơn sản phẩm mà mình làm ra. Việc đạt đến 3 sao Michelin cũng vậy, khi nhận được nó, tôi đã tự đặt cho mình câu hỏi: giờ thì sao? tiếp theo sẽ thế nào? Cuối cùng tôi cũng đã tìm ra câu trả lời. Trước khi có 3 sao, tôi chỉ là một đầu bếp, sau khi có 3 sao, tôi đã thuộc về một cộng đồng nhỏ chỉ có vài trăm người trên khắp thế giới. Và đó là khi họ mong đợi bạn trở thành một người dẫn đầu xu hướng. Đến đây, người ta sẽ đặt những câu hỏi về triết lý ẩm thực. Cá nhân tôi nghĩ rằng chẳng có triết lý quái quỷ nào ở đây cả, chúng tôi là đầu bếp, chúng tôi kết hợp các nguyên liệu, các hương vị lại với nhau theo cảm quan của riêng mình. Chúng tôi hiểu nguyên liệu và yêu thích việc biến đổi chúng bằng các kỹ thuật khác nhau. Yêu thích việc đem về các nguyên liệu từ khắp nơi trên thế giới sau mỗi chuyến và tìm cách để kết hợp chúng với những gì mình đang có. Nếu có triết lý nào ở đây thì nó chỉ đơn thuần là sự học hỏi, sự cho đi và nhận lại. Tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ truyền lại những gì mình đã học hỏi được trong suốt sự nghiệp cho những người khác, cũng như cách mà việc tiếp xúc với những bậc thầy trong các lĩnh vực khác nhau đã khiến tôi trưởng thành hơn.
Choco 1
Ảnh: French Grill
Và cuối cùng, hãy cho tôi biết về con người ông chỉ với một món ăn?
"Ôi chúa tôi, chỉ 1 món ăn thôi à? Câu hỏi này thực sự rất khó, nhưng hãy để tôi suy nghĩ một chút. Tôi nghĩ rằng đó là món Croquet Polzasky. Vì sao à? đay là món ăn đầu tiên tôi tự tay làm, đó chính là bước chân đầu tiên trên con đường tôi đã đi đến ngày hôm nay."

Còn với tôi? Nếu phải chọn ra một món ăn trong ngày hôm nay để đại diện cho Bruno Menard, cho phong cách ẩm thực của ông, cho niềm cảm hứng sáng tạo và cho những câu chuyện sau mỗi chuyến đi thì tôi sẽ chọn "Tartar củ dền và sò điệp với sốt tiêu hồng, va-ni và dầu mè". Tôi sẽ không dài dòng với những lý do, sẽ không tả một ngôi sao tỏa sáng thế nào mà để dành cho bạn tự khám phá và cảm nhận trong bữa tối nào đó bên căn bếp mở luôn tất bật của nhà hàng French Grill.

Menu đặc biệt của Chef  3 sao Michelin Bruno Menard có mặt ở French Grill từ 05/10 tới 10/10

nh cho những ai quan tâm, thực đơn 4 món cho bữa trưa với 2,000,000++VNĐ/ người và thực đơn 6 món vào bữa tối với 3,000,000++ VNĐ/ người, lựa chọn kèm rượu với 2,000,000++VNĐ/ người.

You Might Also Like

0 comments

Bài viết nổi bật

Youtube

Facebook