f Buon appetito! Dùng bữa như người Ý - A Guy Who Cooks

Buon appetito! Dùng bữa như người Ý

tháng 11 06, 2013

Trong cơn choáng váng sau 1 trận uống với mấy người anh em chơi cùng từ thưở nhỏ, tự nhiên nhớ ra rằng mình đã chia sẻ nhiều công thức món Ý, nhưng chưa hề có 1 bài viết nào để cho các độc giả của mình biết phải ăn đồ Ý ra sao cho đúng, cho không bị "quê". Nền ẩm thực nào cũng thế, luôn có những điều luật nhất định trên bàn tiệc, nếu bạn không nắm được những điều luật này, chắc chắn bạn sẽ thiếu tự tin và sa vào những tình huống khó xử, nhiều khi vô tình trở nên bất lịch sự và bị bẽ mặt trước mọi người nữa. Dự tiệc cũng giống như khiêu vũ, rất cần sự luyện tập nhưng cũng không thể thiếu chút tinh ý và duyên dáng vì vậy, nắm được những quy tắc bàn tiệc là điều tối quan trọng để hình ảnh của bạn thật đẹp trong mắt chủ tiệc và những người xung quanh. Qua entry này, tôi muốn cho các bạn 1 góc nhìn thật chi tiết về trình tự 1 bữa ăn kiểu Ý, những quy tắc trong bữa ăn, những cử chỉ trên bàn tiệc và ý nghĩa của nó để bạn có thể tự tin khi dự tiệc.


Ẩm thực Ý đa dạng và phong phú với những nguyên liệu tươi ngon nhất.
Trước hết là những quy tắc cơ bản khi dự tiệc:


  1. Hãy chờ người chủ trì bữa tiệc ngồi vào bàn rồi hãy ngồi, ở đâu cũng thế, nhập gia tùy tục. Và hãy đợi tới khi chủ tiệc bắt đầu ăn hoặc tuyên bố bữa tiệc bắt đầu thì bạn hẵng bắt đầu việc ăn uống. Một khi đã ngồi vào bàn, đừng rời bỏ nó cho tới khi bữa tiệc kết thúc nếu không muốn bị coi là bất lịch sự.
  2. Khác với bàn tiệc kiểu Mỹ, ở Ý người ta luôn cầm dĩa ở tay trái và dao ở tay phải thay vì có thể cầm dĩa ở tay phải và chuyển tay khi cần dùng dao. 
  3. Luôn đặt 2 bàn tay lên mặt bàn, kể cả khi đã ngừng ăn. Tuy nhiên, nhớ đừng đặt khuỷu tay lên mặt bàn nhé, cũng nhớ giữ chúng ở sát cơ thể, đừng va vào người bên cạnh.
  4. Dùng dĩa và dao trong mọi trường hợp, kể cả khi ăn bánh mỳ, pho mát hay hoa quả. Tôi từng thấy người ta lọc bỏ cả phần vỏ hoa quả bằng dao và dĩa 1 cách khéo léo.
  5. Khi kết thúc món ăn, hãy để dao và dĩa bắt chéo hoặc lệch sang bên phải của chiếc đĩa để người phục vụ hiểu là bạn đã xong.
  6. Khi đã no, hãy cám ơn và nói rằng mình khó có thể tiếp tục ăn thêm nữa với chủ tiệc hoặc người phục vụ khi họ hỏi bạn có muốn dùng thêm thức ăn hay không. Bằng không, họ sẽ tiếp tục đem thêm thức ăn cho bạn, hãy nhớ đây không phải là lúc để khách sáo vì có khách sáo họ cũng chẳng đánh giá cao bạn đâu. 
  7. Nếu bạn không muốn uống thêm rượu, hãy để nó đầy. Khi ly rượu của bạn còn phân nửa, người ta sẽ tự rót thêm cho bạn, và cũng đừng từ chối khi được rót thêm rượu bởi đó là lỗ mãng. Khi uống trong bữa ăn, hãy lau mồm trước khi cầm cốc lên và lau mồm lại lần nữa sau khi uống xong.
  8. Tuyệt đối đừng bao giờ sờ tay vào tóc khi đang trên bàn tiệc, kể cả bạn đang ngứa điên. Dặn điều này có vẻ thừa nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hãy giữ cho đầu tóc sạch sẽ hết mức có thể trước khi dự tiệc.

Khi nhìn bàn tiệc trong bộ phim "eat, pray, love" tôi tin rằng, các bạn có thể hình dung mức độ thịnh soạn trong 1 bữa tiệc Ý và nhận ra việc ăn uống quan trọng với người Ý như thế nào. Trước 1 bàn tiệc lớn như vậy, bạn sẽ không khỏi bối rối và tự đặt cho mình những câu hỏi như: ăn gì trước? cái này ăn như thế nào? cái này để làm gì? Tôi sẽ giúp các bạn để không bao giờ phải bối rối nữa. Tôi sẽ giới thiệu về các thành phần cơ bản trong 1 bữa thịnh soạn của người Ý theo trình tự phục vụ ngay sau đây:

Aperitivo:

1 ly Campari để nhẹ nhàng bắt đầu bữa tiệc.
Aperitivo là đồ khai vị, người Ý có thói quen uống 1 ly rượu mùi (phổ biến nhất là Campari) hoặc vang khai vị (phổ biến là loại vang sủi bọt prosecco hoặc spumante). Rượu khai vị thường được nhâm nhi cùng 1 chút pho-mát, quả ô-liu, các loại hạt dẻ, snack... Người ta thường gọi Aperitivo ngay khi ngồi vào bàn và vừa thưởng thức chúng, vừa nói chuyện và tiếp tục "nghiên cứu" menu. Aperitivo giúp kích thích vị giác cũng như hệ tiêu hóa, có thể nói là 1 thành phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Ý.

Antipasto:

Các loại pho-mát và thịt muối (salumi) thường được sử dụng trong antipasto.
Antipasto là phần khai vị nguội thường bao gồm các loại thịt muối như pancetta, prosciutto, mortadella, salame... cùng với quả ô-liu, các loại nấm, các loại pho mát, các loại bánh mỳ nhỏ, cá muối... ở mỗi vùng, các thành phần của Antipasto có thể khác nhau tùy vào sản vật đặc trưng của từng vùng.

Primo piato:

Risotto là sự lựa chọn hoàn hảo cho primo piato.
Primo piato là món dạo đầu. Đây là lúc món nóng được bắt đầu được dọn ra, các món được phục vụ cho primo piato có thể là: pasta (bao gồm tất cả các loại mỳ), risotto (hay còn gọi là cơm Ý), súp, polenta (1 dạng cháo đặc từ bột ngũ cốc), Pizza... Primo piato là nguồn tinh bột chủ yếu trong bữa ăn kiểu Ý.

Secondo piato:

Secondo piato luôn 
Secondo piato là món chính, cũng là món chính. Người ta thường ăn bít tết, món hầm, cá, thịt gà, thịt cừu, thịt bò, hải sản... trong secondo piato. Người Ý rất kị trong cùng 1 bữa mà có cả cá lẫn thịt, 1 phần là do như vậy sẽ khó chọn rượu vang uống kèm. Tuy nhiên nếu rơi vào tình huống lẫn lộn này, hãy nhớ dùng 1 ly sorbet sau khi ăn cá để tẩy vị trước khi dùng món thịt.

Contorno:

Salad cam thực sự rất hợp với những món cá.
Contorno có thể dịch là món ăn kèm. Thường thì Contorno được phục vụ cùng lúc với Secondo piato nhưng được để riêng chứ không nằm cùng 1 đĩa với Secondo. Contorno có thể là salad, cũng có thể là khoai tây nướng, rau hầm, các loại rau củ sống hoặc chín...

Formaggi e frutta:

Hãy ăn 1 chút hoa quả trước khi dùng tráng miệng.
Đây là phần được dành riêng cho các loại pho mát và hoa quả đặc trưng của địa phương. Có thể coi như phần để giảm nhẹ dư vị của bữa ăn trước khi tráng miệng.

Dolce:

Chẳng ai xa lạ gì với Tiramisù.
Dolce là phần tráng miệng, các loại bánh ngọt, tiramisù, panna cotta, kem sorbet, gelato được dùng trong phần này.

Caffè:

Cà-phê sau bữa ăn phải có dạng như espresso chứ đừng bồng bềnh như cappucinno nhé.
1 ly espresso thường được uống nhanh sau bữa ăn. Người Ý rất ít khi dùng cà phê có sữa sau bữa ăn và thứ cà-phê duy nhất họ uống trong lúc này là espresso. Có 1 điều cần chú ý khi uống cà phê ở Ý: Họ chỉ dùng cappuccino trong 1 bữa ăn duy nhất trong ngày, đó là bữa sáng. Dân Ý có 1 câu đùa rằng: nếu bạn uống cappuccino sau bữa ăn thì hoặc bạn là người Nhật (ý chỉ bạn là kẻ khác người) hoặc bạn là Burino (dịch nghĩa đen là "người làm bơ" - cách dân Roma chế giễu sự thiếu tinh tế của cư dân các vùng lân cận trong xứ Lazio) vì thế, đừng bao giờ đưa cappuccino vào danh mục bữa tối của mình nhé. 

Digestivo:

Bữa tiệc kết thúc không thể tuyệt hơn với 1 ly Limoncello đậm đà hương chanh.
Digestivo là phần cuối cùng được dọn ra cùng lúc với caffè với mục đích kết thúc bữa ăn. Thức uống được dùng trong Digestivo thường là rượu hoa quả hoặc rượu thảo mộc, có vị hơi đắng hoặc ngọt như: grappa, amaro, limoncello. Theo lý giải thì những thức uống này sẽ làm cho quá trình tiêu hóa ngừng dần, có thể coi như 1 hình thức mát xa cho dạ dày.

Đó là trình tự của 1 bữa tiệc hoàn chỉnh, tuy nhiên thường thì người ta cũng chỉ chuẩn bị thịnh soạn như thế khi có dịp đặc biệt, còn thông thường, sẽ chỉ có Aperitivo, Primo, Secondo dùng kèm Contorno, Dolce và kết thúc với 1 ly cà phê. Hãy luôn nhớ những trình tự này để nếu bạn được giao trọng trách gọi món, hãy gọi món cho đủ và đúng nhé.


Sau khi đọc hết những dòng vừa rồi, bạn đã có đủ những trang bị cơ bản để cư xử đúng mực và trở thành 1 người hiểu biết trên bàn tiệc. Bạn hoàn toàn có thể cho những người bạn Ý biết mình sành sỏi đến mức nào rồi đấy.

You Might Also Like

0 comments

Bài viết nổi bật

Youtube

Facebook