f 10 món đồ bếp thiết yếu cho người mới - A Guy Who Cooks

10 món đồ bếp thiết yếu cho người mới

tháng 3 15, 2017

Essential Tools 1
Bộ sưu tập những món đồ bếp thiết yếu cho người mới.

Không ai biết nấu ăn ngay từ đầu, đó là một kỹ năng phải luyện tập dần dần, sau hết thất bại này qua thất bại khác. Thế nhưng trước khi trải qua tất cả những điều đó, bạn cần phải trang bị những dụng cụ nhà bếp thiết yếu để có thể hoàn thành mọi việc theo đúng cách của nó một cách nhanh gọn thay vì mất thời gian xoay sở với những gì có sẵn. Nếu bạn đang có ý định xây dựng một căn bếp riêng mà vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu, đây sẽ là gợi ý cho bạn trên quan điểm và kinh nghiệm của cá nhân tôi.
  1. Dao bếp đa dụng:
    Knife
    Dao Santoku và Chef Knife.
    Nếu nói về dao, có kể lể cả ngày bởi có rất nhiều loại dao khác nhau được thiết kế cho từng mục đích sử dụng riêng biệt. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể làm hầu như mọi công việc thường thấy trong bếp với một con dao đa dụng theo kiểu Chef Knife hoặc Santoku.

    Với những ai có phong cách nấu ăn thiên về kiểu phương Tây thì Chef Knife là lựa chọn tốt hơn với mũi nhọn, lưỡi dao nặng, dáng bầu thuận lợi cho chuyển động tịnh tiến, phù hợp với tất cả các thao tác rạch, băm, thái, cắt xẻ. Còn với những ai có phong cách nấu ăn thiên về kiểu Châu Á thì Santoku - phiên bản Chef Knife của Nhật mới là lựa chọn lý tưởng. "Santoku"nghĩa là 3 công dụng: cắt, thái và băm, dao có mũi tròn và lưỡi phẳng, mỏng phù hợp với chuyển động cắt thẳng từ trên xuống. Sự khác biệt và đặc điểm chi tiết của từng loại dao, xin được nói rõ hơn trong một post khác.

    Thực ra công dụng của 2 loại dao này không khác nhau, chỉ có điều là cần chú ý vào thói quen sử dụng của mỗi người mà chọn lấy con dao ưng ý nhất cho mình. Tất nhiên với người châu Á chúng ta thì việc sử dụng Santoku sẽ có cảm giác quen thuộc bởi nó có sự tương đồng với các loại dao phổ biến sẵn có trong bếp gia đình, còn Chef Knife sẽ cần nhiều luyện tập hơn chút. Tôi khuyên bạn nên dành dụm để mua một con dao "hàng hiệu" của Zwilling, Victorinox Global hay Wusthof, bởi chất lượng thép của chúng rất tốt, nếu sử dụng và bảo quản đúng cách, thậm chí bạn có thể để lại chúng cho con cháu mình. Tuy nhiên, nếu điều kiện chưa cho phép, bạn hoàn toàn có thể mua những con dao có kiểu dáng tương tự được bán trong các siêu thị, quầy đồ bếp.
  2. Thớt:
    Cutting Board
    Chiếc thớt tốt hơn con dao tốt.
    Quan trọng hơn cả một con dao tốt là một chiếc thớt tốt. Giờ đây thớt được làm từ rất nhiều chất liệu khác nhau: thuỷ tinh, nhựa, gỗ... Người ta bắt đầu chuộng sử dụng thớt nhựa hơn vì sự tiện lợi và vấn đề vệ sinh, nhưng cá nhân tôi vẫn khuyên bạn nên dùng thớt gỗ. Bởi những chất liệu kia dễ gây trơn trượt và mẻ dao hơn. Một chiếc thớt gỗ cỡ to, dày dặn và đủ nặng là nền tảng cần thiết cho việc cắt thái được dễ dàng hơn. Ngoài việc dùng để cắt thái, chiếc thớt gỗ cũng có thể được sử dụng như một mặt bàn để nhào bột, cuốn và sơ chế các loại thực phẩm.

    Thực ra đúng là nhược điểm của thớt gỗ nằm ở việc khó vệ sinh, nhưng điểm này hoàn toàn khắc phục được. Khi dùng xong, bạn có thể làm sạch thớt bằng cách chà chanh và muối lên bề mặt. Cuối cùng là thoa lên một lớp dầu mỏng để giữ ẩm, tạo độ mềm cần thiết cho gỗ để không hại dao. Về chất liệu, gỗ nghiến là tốt nhất nhưng nếu không có khả năng chi trả thì có thể sử dụng thớt tre cũng khá ổn.
  3. Chảo thép 25cm:
    Pan
    Chảo thép rát linh hoạt trong việc sử dụng.
    Chảo có thể được làm từ những chất liệu khác nhau: thép không gỉ (inox), gốm, đồng, gang hay thép phủ chống dính. Tuy nhiên nếu chỉ được chọn 1 thì tôi khuyên bạn nên chọn chất liệu thép cho chiếc chảo đầu tiên của mình. Lý do nằm ở giá thành, khả năng sử dụng linh hoạt và dễ dàng trong bảo quản. Chảo thép thường phổ biến hơn và giá cũng rẻ hơn những sản phẩm tương tự làm bằng đồng hay gang. Ta có thể sử dụng chảo thép một cách linh hoạt cho hầu hết các kiểu chế biến: rán, xào, áp chảo... (chỉ có ngoại lệ là trứng vì dễ bị xát). Chảo thép cũng có thể áp xém các loại thịt khá tốt - điều mà chảo chống dính và gốm không thể. Và ưu thế cuối cùng là nó cũng rất dễ để bảo quản không dễ gỉ như chảo gang hay đồng, cũng không cần chăm sóc đặc biệt như đồ chống dính và đồ gốm.

    Kích cỡ lý tưởng của một chiếc chảo là 25cm, không quá to khiến bạn phải tốn nhiều dầu ăn khi rán nhưng vẫn đủ chỗ để chế biến đủ một phần ăn thông thường. Còn một điểm đáng lưu ý nữa khi chọn chảo: tôi thích những chiếc chảo cán kim loại hơn là cán nhựa, có thể hơi bất tiện khi xào nấu trên bếp nhưng bù lại, nó có khả năng trở thành một dụng cụ bỏ lò trong chốc lát, rất tiện với những món vừa phải áp chảo, vừa phải bỏ lò (như steak làm đến độ well done)
  4. Nồi dung tích 5L:
    Pot
    Nếu chỉ được chọn một, thà chọn nồi to còn hơn nồi nhỏ.
    Thừa còn hơn thiếu, nếu cần mua một chiếc nồi thà rằng mua nồi to còn hơn nồi nhỏ bởi bạn vẫn nấu được ít đồ trong nồi to nhưng chẳng thể nấu được nhiều đồ trong một chiếc nồi nhỏ. Đặc biệt có những khi ta bắt buộc phải dùng nhiều nước: như luộc pasta hay hầm nước dùng thì chẳng có lựa chọn nào thay thế được một chiếc nồi to.
  5. Thìa gỗ:
    Wooden Spoon
    Thìa gỗ là một trong những món đồ tôi hay dùng nhất.
    Những chiếc thìa gỗ cán dài có thể được sử dụng rất đa dạng: để khuấy, xào hay gạt đồ ăn ra khỏi nồi, chảo. Và chất liệu gỗ cũng có ưu thế của nó: không làm xây xước những chiếc chảo chống dính mà bạn sẽ sở hữu sau này.
  6. Kẹp gắp:
    Tongs
    Kẹp gắp là một đôi đũa được nâng cấp.
    Kẹp gắp là phiên bản nâng cấp của đũa, đũa khá linh hoạt nhưng không đủ chắc tay để thao tác với những miếng thịt cỡ lớn.  Kẹp kim loại khắc phục được nhược điểm đó, với một chiếc kẹp, bạn có thể lật thịt, vớt và xào pasta hay trộn salad một cách dễ dàng.
  7. Dụng cụ nạo vỏ:
    Peeler
    Gọt vỏ không còn là một màn tra tấn.
    Bạn hoàn toàn có khả năng dùng dao để gọt vỏ rau củ. Nhưng đó là câu chuyện khi phần việc chỉ khiêm tốn nằm trong vài ba thứ rau, sẽ có những lúc bạn phải chuẩn bị nhiều phần ăn hơn ví dụ như một bữa tiệc tại gia chẳng hạn. Thay vì gọt thủ công cả chục củ khoai, bạn có thể dùng dụng cụ bào vỏ để tiết kiệm thời gian. Thực ra đã dùng rồi thì bạn sẽ không bao giờ muốn sử dụng dao cho việc đó nữa.
  8. Rây lọc mắt nhỏ:
    Sieve
    Chiếc lưới lọc có nhiều công dụng hơn bạn nghĩ.
    Một chiếc rây mắt nhỏ với đường kính khoảng 15cm sẽ giúp ích bạn rất nhiều. Ngoài công dụng chính là để lọc thì chiếc rây này cũng có thể được dùng để rây mịn bột, để nghiền mịn những nguyên liệu mềm như bí ngô hay cà chua hoặc đơn giản hơn là dùng thay một chiếc rổ  để làm ráo đồ ăn.
  9. Bộ thìa đong:
    Mesuring Spoon
    Việc cân đong chẳng còn phức tạp nữa.
    Bộ thìa đong thường có 2 quy ước định lượng khác nhau: Cup và Tablespoon & Teaspoon (Tbsp & tsp). Với bộ thìa đong này bạn sẽ dễ dàng làm theo hầu hết mọi công thức tìm thấy trên các trang web/ blog ẩm thực mà không mất thời gian sử dụng cân điện tử. Cá nhân toi đánh giá đơn vị quy ước này là một trong số những phát kiến tuyệt nhất dành cho việc nấu ăn gia đình.
  10. Cốc đong:
    Pyrex
    Chiếc cốc đong mà ai cũng muốn có.
    Ai cũng muốn có một chiếc cốc đong hiệu Pyrex trong bếp. Chiếc cốc đong này quy chiếu trên cả 2 đơn vị cup và ml nên rất tiện cho cả việc đong nguyên liệu khô và ướt. Thêm nữa, cốc đong Pyrex chịu được nhiệt và lò vi sóng nên cũng tiện cho việc chế biến mọi thứ ngay trong nó.
Khi bạn đã có đủ những món đồ này, coi như một căn bếp cơ bản đã hoàn thiện rồi. Hãy cùng khám phá những gợi ý để mở rộng bộ đồ bếp của mình trong những bài sau nhé.

You Might Also Like

0 comments

Bài viết nổi bật

Youtube

Facebook