f Cioppino - Thế Giới trong lòng đĩa - A Guy Who Cooks

Cioppino - Thế Giới trong lòng đĩa

tháng 11 23, 2016

Lại thêm một lần nữa gặp mặt tháng 11 và A Guy Who Cooks bắt đầu vòng tròn thứ 5 của nó. Tôi ít khi để ý đếm thời gian gắn bó với căn nhà nhỏ này, cũng do chẳng bao giờ phải gắng gượng vì nó, có hứng thì viết, không đủ cảm hứng thì gác tạm lại đấy. Chính vì lẽ đó, dù có bao nhiêu ngày tháng trôi đi chăng nữa , tình yêu, niềm đam mê vẫn sẽ vẹn nguyên như ngày đầu. Hoặc, bởi tôi là kiểu người chỉ biết chăm chú vào việc của mình, theo cách của riêng mình, không quan tâm đến việc người này làm thế này được nhiều like, người kia làm thế kia hợp thị hiếu, nổi tiếng nhanh nên vẫn miệt mài khám phá thế giới của riêng mình thay vì phân tán trí lực cho việc đạt được một thứ gì đó mà bị áp lực rồi chán nản. Đó không phải mục đích của tôi, A Guy Who Cooks vốn là nhà, nhà trước hết phải là một phần con người của chủ nhân với những điều đẹp đẽ theo cảm nhận của hắn, ở đó tự mình phải thấy thoải mái trước đã. Thi thoảng cũng có khách đến chơi, những người không hợp, không thích thì sẽ không quay trở lại, còn với những ai tìm được chút đồng điệu với ông chủ, cửa vào nhà luôn sáng đèn chờ đón những lần viếng thăm kế tiếp. Từ tận đáy lòng, cảm ơn bạn, người đã luôn quay lại, dõi theo A Guy Who Cooks trong suốt những năm đã qua, quãng thời gian kiên nhẫn theo đuổi những giá trị ẩm thực cổ điển. Không có bạn, một blogger sẽ có ý nghĩa gì? Những cảm hứng sẽ được truyền tới đâu?

Thế giới ngoài kia giống như món Cioppino, đầy màu sắc và những hương vị chờ khám phá. Tôi luôn nghĩ vậy. Hy vọng rằng mỗi khi đọc blog, một phần mới mẻ của thế giới này cũng sẽ mở ra với bạn.


Cioppino by A Guy Who Cooks 6
Click để xem ảnh lớn.
Những ngày đầu Đông kỳ quái, nắng chói như giữa Hạ, nghĩ về mùa Hạ tôi lại nghĩ về biển và khi nghĩ tới biển, điều đầu tiên hiện ra trong tâm trí tôi chính là nước Ý, không phải vì những bờ biển đẹp như mơ trên khắp bán đảo này mà là vì mối quan hệ giữa người Ý và biển cả. Người Ý là một giống dân đặc biệt, chất Latin lãng mạn trong huyết quá mạnh mẽ đến mức trở nên ám ảnh, nỗi ám ảnh đến nhức nhối về những điều đẹp đẽ ở phía bên kia đại dương xanh thăm thẳm. Nỗi ám ảnh giống như bài hát ngọt ngào chết người của loài tiên cá, kéo người về phía vùng biển lớn mông lung. Những cánh buồm trắng trôi theo gió và những dòng hải lưu, dựng nên đế chế Roma huy hoàng, thống trị khắp những bờ bến bên Địa Trung Hải. Và kể cả khi buổi huy hoàng đế vương đó chợt tan thành tro bụi, người Ý vẫn tiếp tục tìm cách chinh phục biển cả, theo cái cách của Marco Polo và những nhà buôn cộng hòa Venezia đã thống trị con đường  buôn bán gia vị Á-Âu. Theo cách mà một nhà thám hiểm kiệt xuất của thành Genova đã đặt chân đến Châu Mỹ - Cristoforo Colombo, vẫn được biến đến như Christopher Columbus. Hoặc như cái cách  mà châu Mỹ - America được đặt theo tên  Amerigo Vespucci - nhà thám hiểm người Firenze có hải trình dài đằng đẵng, vẽ nên bản đồ Tân Thế Giới  để rồi dõng dạc khẳng định với Cựu Thế Giới rằng: Châu Mỹ là một vùng đất hoàn toàn mới chứ không phải là một lãnh thổ vô danh cận kề bờ đông Ấn Độ, điều mà Colombo và cả Châu Âu khi đó vẫn lầm tưởng. Người Ý ra khơi và để lại di sản trên những bờ biển mà chân họ in dấu, nhưng vinh quang này không chỉ dành cho những người Ý vĩ đại. Người Ý vĩ đại để lại dấu ấn trong sử sách còn những người Ý nhỏ bé, bình thường thì để lại dấu ấn trong cuộc sống và trong lòng người.

Có thể dễ dàng tìm thấy những cộng đồng người Ý trên khắp châu Mỹ, từ Bắc chí Nam, nhưng khó có thể thấy được nơi nào mà giống dân này để lại nhiều di sản đặc sắc như trên đất Mỹ. Sống quá lâu trong cảnh binh đao, loạn lạc, không lâu sau khi đất nước thống nhất vào cuối TK XIX, dân Nam Ý lại phải dong buồm trốn chạy khỏi đói nghèo, tìm đến bờ đông nước Mỹ phù hoa và trở thành một trong những cộng đồng nhập cư lớn nhất trên đất nước này. Cộng đồng này đã làm được gì cho nước Mỹ?  Tôi sẽ không phí công sức mà liệt kê một bảng danh sách những di sản của họ, bạn chỉ cần biết điều này là đủ: mỗi khi tháng 10 về, người ta đều kỷ niệm tháng di sản Ý-Mỹ. Tôi nghĩ rằng như vậy đã đủ để giúp người Ý phân trần: "chúng tôi không chỉ đem Mafia tới Mỹ". Bạn cũng có thể phủ nhận cả cái danh sách dài dằng dặc đó chỉ vì vấn đề Mafia, nhưng tôi dám chắc dù là mafia hay người lương thiện thì bạn cũng không thể phủ nhận sự mến mộ dành cho những món ăn Ý, được tạo ra trên đất Mỹ. Món ăn Ý-Mỹ, Nghe chẳng quen lắm nhỉ? Nhưng nếu bạn thích Spaghetti & Meatball, Mac & Cheese, Chicken Parmigiana hay Pepperoni Pizza thì bạn đang tận hưởng di sản của những người Ý tại Mỹ, những người không danh, không tiếng đã vượt đại dương, để lại dấu ấn trên miền đất mới.

Cioppino by A Guy Who Cooks 1
Click để xem ảnh lớn
Khi dùng bữa ở những nơi trưng biển "nhà hàng Ý", phía ngoài biên giới của bán đảo Italia, nhiều khả năng ta sẽ được nếm những món không "Ý" như mình tưởng. Đó là khi chủ nhà hàng quyết định xây dựng menu theo kiểu Ý-Mỹ hoặc pha trộn một chút giữa phong cách đó và phong cách Ý thuần chất. Bản thân tôi cũng từng gặp chuyện này khi đi ăn tối ở Buda-Pest, trong một nhà hàng ấm cúng ngay bên sông Danube. Món súp hải sản rất tuyệt, vị ngọt tự nhiên, đậm đà, mặn mòi biển cả, hơi cay nhè nhẹ, hương thơm thảo mộc lôi cuốn và hải sản thì không thể chê được điểm nào. Thế nhưng đến khi truy tìm công thức theo tên món trong menu: Cioppino, tôi mới hiểu rằng món súp ngon tuyệt mà mình vừa nếm không thuộc về ẩm thực Ý nguyên bản, đó cũng là lúc tôi được khai sáng về phong cách ẩm thực không thuần Ý này. Cioppino xuất hiện trong cộng đồng người Ý gốc Genova di cư tới San Francisco vào cuối TK XIX. Cái tên được lấy từ món súp cá cổ điển ciuppin của xứ Liguria, vốn là món ăn tạm bợ, được nấu trên sàn thuyền đánh cá với nguyên liệu chính là bất kỳ loại hải sản nào họ bắt được trong chuyến đi biển của mình: Cua Dungeness, ngao, tôm, sò điệp, mực, vẹm và cá. Tất cả được nấu cùng cà chua tươi và rượu vang trắng và dùng kèm bánh mỳ. Điểm khởi đầu khiêm tốn là thế, nhưng cũng chẳng mất bao nhiêu thời gian, nó đã sớm xuất hiện như một món đặc trưng trong những nhà hàng Ý ở San Francisco.

Dù sao, tôi vẫn thích để Cioppino là một món ăn mộc mạc hơn. Vì một lẽ, bản thân nó không hề hợp với dao dĩa sáng loáng. Không có cách nào hay hơn là dùng bánh mỳ và tay không với món ăn này, hải sản phải được ăn bằng tay mới thật đúng, thật trọn cái cảm giác tận hưởng. Chỉ khi dùng tay, ta mới có cảm được rõ vị ngọt trong những thớ thịt cua vụn còn nóng hổi khi mới kéo ra từ lớp vỏ mỏng mảnh, mới thấy nước súp nóng húp từ vỏ vẹm, vỏ ngao có cái vị đậm đà đến lạ. Mà nhắc đến lợi thế của dụng cụ ăn uống nguyên thủy này, tôi cũng mới phát hiện ra một điều: khi ăn bằng tay, phụ nữ cũng có một sức quyến rũ rất lạ, rất đáng yêu. Chí ít, tôi cũng đã một lần cảm thấy vậy...

Cioppino by A Guy Who Cooks 4
Click để xem hình lớn.

Nguyên liệu:
Nước cốt tôm:
  • 1kg đầu tôm.
  • 4 nhánh tỏi, băm nhỏ.
  • 2 củ hành tây, thái hạt lựu.
  • 1 củ thì là, thái mỏng.
  • 1 củ cà rốt, bào vỏ và cắt hạt lựu.
  • 2 cành cần tây cọng lớn, thái hạt lựu.
  • 200ml vang trắng
  • 4 Tbsp dầu ô-liu.
  • 2 lá nguyệt quế.
  • 1 tsp hạt thì là, giã vụn.
  • 1 tsp hạt tiêu đen.
Cioppino:
  • 1 kg tôm sú, bóc vỏ, để đầu và đuôi
  • 1 kg ghẹ, bóc mai và bẻ đôi
  • 500g bạch tuộc, làm sạch túi mực và bỏ răng.
  • 500g ngao, ngâm nước cho nhả cát.
  • 500g vẹm xanh.
  • 300g sò điệp, chỉ lấy phần cơ cồi.
  • 2L nước cốt tôm.
  • 4 Tbsp dầu ô-liu.
  • 100ml rượu vang trắng
  • 4 nhánh tỏi, băm nhỏ.
  • 1 củ thì là, bổ cau.
  • 1 kg cà chua, bóc vỏ và bỏ hột và băm nhỏ.
  • 2 Tbsp tomato paste.
  • 1 tsp oregano.
  • 1 tsp ớt khô.
  • Parsley tươi, băm dối.
Cioppino by A Guy Who Cooks 2
Click để xem ảnh lớn

Cùng vào bếp nhé:
Nước cốt tôm:
  • Đập dập đầu tôm. Đun nóng 2 Tbsp dầu ô-liu, xào đầu tôm cùng với hạt thì là. Đổ vang trắng vào khi chảo còn nóng và cạo sạch phần xém két lại trên chảo. 
  • Đun nóng 2 Tbsp dầu ô-liu còn lại, xào chín củ thì là, cà rốt, cần tây và cà chua. Cho tất cả những nguyên liệu vừa xào vào nồi cùng với đầu tôm, thêm 3 L nước vào đến khi vừa ngập qua tất cả các nguyên liệu.
  • Thêm những nguyên liệu còn lại vào, đun trên lửa vừa đến khi bắt đầu sôi thì hạ xuống lửa nhỏ. Đun liên tục ở mức nhiệt nhỏ nhất trong vòng 8h, vớt bọt thường xuyên.
  • Vớt bỏ các nguyên liệu ra khỏi nồi, dùng giấy lọc để loại bỏ cặn và váng mỡ rồi tiếp tục đun nhỏ lửa trong 1h đến khi dung dịch có độ đặc và màu đỏ nâu.
Cioppino:
  • Đun nóng 2 Tbsp dầu ô-liu, xào cà chua, tomato paste và 1/2 lượng tỏi  cho đến khi mềm thì thả cà chua vào nồi nước dùng đã lọc. Đun khoảng 20' trên lửa vừa cho ngấm quyện hương vị
  • Đun nóng lượng dầu ô-liu còn lại, phi thơm lượng tỏi còn lại và cho các loại hải sản vào xào cùng củ thì là. khi chảo dần cạn, đổ rượu vang vào và đun đến khi nước sệt lại.
  • Cho ghẹ vào nồi súp, đun khoảng 10' rồi thêm các loại gia vị còn lại, các loại hải sản khác, cùng với nước xào vào nồi, đun thêm khoảng 2' cho nóng. Nêm muối cho vừa miệng.
  • Dọn ra đĩa sâu lòng, rắc parsley lên trên.
Cioppino by A Guy Who Cooks 3
Click để xem ảnh lớn
Chúc bạn ngon miệng!


You Might Also Like

0 comments

Bài viết nổi bật

Youtube

Facebook