f Tsukimi dango - Trăng rọi Phù Tang. - A Guy Who Cooks

Tsukimi dango - Trăng rọi Phù Tang.

tháng 9 23, 2013

Đã qua rằm mấy ngày rồi mà trăng vẫn sáng và trong quá. Trăng sáng rọi cùng tiết trời man mát thật dễ khiến người ta mải mê nghển cổ mà quên tất mọi sự xung quanh rồi tự dưng phanh gấp 1 cái, tự đập vào đầu mình, nở 1 nụ cười ngu ngốc: "sao tự nhiên mình ngơ thế nhỉ?". Nhân ngày trăng đẹp, lại có hứng tản mạn chút chuyện trông trăng. Trăng tháng 8 có cái nét gì đó vừa thanh tao, vừa lãng mạn, cũng cùng 1 mảnh trăng đó mà sao trăng của tháng 8 vừa treo cao, vừa tỏa sáng cái thứ ánh sáng dịu dàng hiếm hoi, sắc nom như nước trà ngon pha từ những giọt sương buổi sớm mai - thứ ánh sáng phủ lên khắp cõi trần này cái nhớ, cái nhớ mà chỉ có cảnh đoàn viên mới có thể xóa nhòa. Trăng thu lên, đó cũng là lúc mà 2 kẻ tri kỷ tìm tới nhau, cùng thưởng trăng, cùng sẻ chia đôi ba ly rượu ngon để rồi tạm quên đi nỗi cô quạnh sâu thẳm trong đáy lòng, cái nỗi cô quạnh chỉ dành cho chính mình. Họ ngồi đấy với nhau chẳng qua cũng chỉ là lừa mình dối người, tri kỷ là thế, ta ở bên họ cũng đâu khác gì ở với chính ta? suy trong cùng vẫn lại cô độc, nếu hơn cũng chỉ là có 1 cõi lòng đủ bao dung để lắng nghe, để thấu hiểu cái quạnh trong ta mà thôi. Quả là chẳng phải ngẫu nhiên mà dưới vòm trời phương Đông, vầng trăng Thu lại khơi gợi nhiều cảm xúc đến thế.

Click để xem hình lớn.
Con người luôn biết thưởng thức cái đẹp và trăng đẹp thì cũng chẳng ai nỡ bỏ phí. Người Nhật không có Tết Trung Thu như người Việt Nam, tuy nhiên họ lại có đêm hội trông trăng - Tsukimi để tôn vinh vẻ đẹp kỳ bí của tạo vật này. Lễ hội này được bắt đầu từ thời kỳ Heian (Tk VIII - Tk XIII) - thời đỉnh cao của thi văn, nghệ thuật Nhật Bản. Ít ồn ào, náo nhiệt hơn Trung Thu ở các quốc gia khác, Tsukimi mang đúng tinh thần của thời kỳ mà nó được khai sinh - tinh thần đậm chất thơ. Người Nhật thường bày bàn tiệc cúng trăng với 1 lọ cỏ lau Nhật, bánh dango, khoai tím, đậu nành, hạt dẻ và các sản vật mùa thu cùng với rượu Sake để tạ ơn trời đất về vụ mùa đã qua cũng như cầu nguyện cho 1 mùa mới bội thu. Cuối cùng nhưng không thể thiếu là phần linh hồn của lễ hội - những bài thơ Tanka được phóng tác dưới ánh trăng khi rượu sake đã khiến lòng người ngà ngà say.

Click để xem hình lớn.
Quay lại với những chiếc dango - nhân vật chính trên bàn tiệc Tsukimi, có thể nói, dango khá giống với bánh trôi Tàu, lớp vỏ bột nếp dẻo quánh, bên trong bở tơi nhân đậu đỏ, nhân khoai tím hay hạt dẻ... những sản vật đặc trưng của mùa Thu. Dango thường được ăn với sốt Mitarashi - 1 loại sốt xì dầu ngọt. Khi cảm nhận kết cấu mềm mại của dango quện cùng vị ngòn ngọt, mằn mặn của Mitarashi trong vòm họng, bạn sẽ hiểu rằng Tsukimi không có dango thì chả khác nào Trung Thu chẳng có ánh trăng.

Click để xem hình lớn.
Đôi khi, có thể bắt gặp người ta làm những chiếc dango có hình thù giống những chú thỏ xinh xắn. Đằng sau đó là cả 1 câu chuyện thú vị. Có 1 câu chuyện kể rằng, vào ngày giới luật, có 1 cụ già đi xin ăn và gặp 1 con khỉ, 1 con rái cá, 1 con chó rừng và 1 con thỏ. Cụ xin chúng rủ lòng thương kiếm chút thức ăn cho cụ sống qua ngày. Khỉ đã mang cho cụ già chút hoa quả mà nó thu nhặt được, rái cá thì mang 1 con cá, chó rừng mang tới 1 con thằn lằn. Còn thỏ, thỏ không có gì để mang tới, vì những loại thảo mộc trong thức ăn của nó không tốt cho con người. Nó quyết định tặng ông lão chính thân thể nó và nhảy vào lửa nhưng kỳ lạ là lửa không thiêu cháy thỏ, bởi ông lão kia chính là Sakra (Đế Thích Thiên). Để mọi người nhớ đến đức hy sinh của thỏ, Sakra đã vẽ hình ảnh của nó lên mặt trăng.

Click để xem hình lớn.
Người ta làm dango theo hình con thỏ là để gợi nhớ đến câu chuyện đầy tính nhân văn đó. Còn 1 điều khá thú vị khác mà có thể nhiều người chứ biết, người Nhật Bản cũng tin rằng thỏ sống trên mặt trăng và chúng làm bánh mochi ở đó. Hồi trước, mình rát hay bắt gặp hình ảnh con thỏ với cái cối và chiếc chày ở những nơi có liên hệ với văn hóa Nhật thế mà bây giờ mới hiểu ý nghĩa của hình ảnh đó. Khám phá thế giới luôn là điều thú vị phải không?

Click để xem hình lớn.
Nguyên liệu:
Dango:
  • 250g bột gạo nếp.
  • 200ml nước nóng.
Nhân bánh:
  • 225g đậu đỏ.
  • 30g đường.
Sốt Mitarashi:
  • 100ml nước.
  • 1 Tsp bột ngô.
  • 3 Tbsp xì dầu Nhật.*
  • 3 Tbsp đường.
  • 1 Tbsp sake (thay bằng rượu nếp cũng được).
*: Loại này có thành phần từ đậu tương và lúa mỳ nên vị thanh hơn xì dầu thường, bạn có thể mua ở các cửa hàng bán đồ Nhật.


Cùng vào bếp nhé:
Chế sốt:
  • Đun nước sôi nhẹ, thêm rượu vào để hòa tan bột dễ hơn.
  • Rây bột ngô, thêm xì dầu và đường, đun đến khi hỗn hợp sệt lại.
Làm nhân bánh:
  • Hầm nhừ đậu, xay nhuyễn và lọc qua rây để loại vỏ.
  • Thêm đường, cho vào lò vi sóng 15' hoặc đun lửa nỏ, khuấy đều tay trên bếp.
  • Tiếp tục đun đến khi hỗn hợp sệt, có thể vo lại được.
Trộn bột vỏ:
  • Trộn bột với nước ấm, bổ sung nước nếu bột quá khô hoặc thêm bột nếu quá nhão.
  • Rắc ít bột áo lên bàn, bỏ bột ra nhào đến khi dẻo, dai và mịn không dính tay.
  • Cắt bột thành những miếng khoảng 15 - 20g.
Gói bánh:
  • Vo bột đã chia thành viên hình cầu, chia nhân thành các phần từ 10-15g, vo tròn.
  • Ấn bẹp bột, gói nhân và bọc kín lại, vo cho đến khi thành khối cầu.
  • Hấp bánh 10-15' là ok.
Tạo hình thỏ:
  • Lấy đầu đũa chấm màu thực phẩm và vẽ mắt thỏ.
  • Nung nóng xiên sắt, gí nhanh vào phần muốn tạo hình tai thỏ rồi bỏ ngay ra.

Click để xem hình lớn.
Không khó phải không? Chúc các bạn thành công!

You Might Also Like

0 comments

Bài viết nổi bật

Youtube

Facebook