f Bánh Trung Thu - Hoài niệm dưới trăng. - A Guy Who Cooks

Bánh Trung Thu - Hoài niệm dưới trăng.

tháng 9 15, 2013

Chỉ còn vài hôm nữa là tới Tết Trung Thu, tự nhiên nhớ tới bà, ngày còn bé, cứ cái tầm này là bà lại dắt 3 đứa cháu cưng đi sắm mặt nạ, sắm lồng đèn để chuẩn bị phá cỗ với trẻ con trong xóm. Khó có thể quên hơn cả là cái hôm đi sắm sửa về, 2 bà cháu lọ mọ thử đưa cái tàu thủy sắt tây bé tý "ra khơi", nhớ như in cái tiếng phành phạch, cái mùi khói dầu hỏa khét lẹt, cái cảnh con tàu chạy lòng vòng quanh cái chậu nhôm lớn rồi bốc cháy trước cái vẻ mặt tẽn tò của thằng bé và rồi cả gian bếp cũ tràn ngập tiếng cười của bà và nó.

Click để xem ảnh lớn.
Đã rất lâu rồi, không còn thấy cảnh trẻ con tụ tập, nô đùa dưới ánh trăng rằm tháng 8, bên chiếc chõng tre đầy những món quà thu, không còn thấy lập lòe ánh nến lấp ló sau lớp giấy kính đỏ chót của những những đèn ông sao, đèn ông sư, đèn con thỏ, đèn cá chép... không còn đầu lân, mặt nạ giấy bồi, không còn những tàu thủy sắt tây chạy phành phạch trong chậu nước hay những tiếng trống chả nhịp chả phách. Có còn ai nhớ niềm hân hoan, vẻ mặt rạng rỡ niềm vui và rạng rỡ thêm bội phần nhờ ánh nến len qua lớp giấy kính đỏ chót kia? Có còn ai nhớ những con chó bưởi, nhớ vị của cốm Vòng, của na, của hồng, của bánh Trung Thu trên chiếc chõng tre cũ kỹ kia? Hình như chẳng còn mấy ai nhớ và chả mấy ai còn muốn tận tâm đem lại cho con em mình cùng cái niềm hạnh phúc đã khiến mình háo hức chờ đón mỗi năm khi đã có cách dễ hơn rất nhiều để mua niềm vui cho bọn trẻ: những món đồ chơi Trung Quốc màu mè, dù cái niềm vui mà chúng mang lại chỉ là nhất thời và chóng tàn phai. Và rồi, sẽ sớm thôi, Trung Thu chỉ còn là cái bóng của chính nó. Ờ thì người ta vẫn nhớ ngày 15/08 âm lịch đấy, vẫn biết bánh Trung Thu, biết chợ Hàng Mã nhưng rồi thì cái hồn của nó đâu rồi? Trung Thu sẽ chỉ còn là ngày người ta kéo nhau ra đường đi chơi, có chăng khác những ngày thường, họ sẽ có thêm 1 nơi để đến là cái chợ Hàng Mã mà thôi.
Click để xem ảnh lớn.
Trung Thu của ngày trước giờ đã lạc ở đâu mất rồi? Ngay đến cả khoảng trời rộng với vầng trăng sáng để mà ngắm nhìn, để thưởng bánh, thưởng trà trong Tết ngắm trăng cũng đã dần lẩn khuất sau những bức tường bê tông xám xịt. Chỉ biết mua niềm vui trong những ngày này bằng cách lọ mọ trong bếp, dồn trọn tâm huyết vào những chiếc bánh Trung Thu rồi đem đi tặng tặng biếu biếu cho bạn bè, cho những người mình yêu quý. Nhiều khi tưởng tượng viễn cảnh sau nhiều năm nữa, khi mình đã (hoặc chưa) lập gia đình, có thể đã có (hoặc chưa có) mấy cô công chúa, mấy ông tướng con, mình sẽ tổ chức 1 đêm cỗ trông trăng đúng kiểu truyền thống cho gia đình và bạn bè thân thiết trên 1 bãi cỏ rộng, dưới tán cây lung linh đèn lồng và ánh trăng trong vắt, đỗi hiền từ. Rồi lại có chó bưởi, bánh Trung Thu homemade, đèn lồng giấy kính đủ loại đủ hình thù màu sắc, sẽ lại có những cuộc đua tàu thủy sắt tây, lại có những "tai nạn" cháy tàu và hơn hết, lại được nhìn thấy cái vẻ mặt hân hoan của con trẻ hệt như cái vẻ hiển hiện trên gương mặt mình hồi xưa để rồi hàng năm, mỗi đợt Trung Thu cận kề, bọn trẻ lại háo hức chờ mong như nó đáng được như thế.
Click để xem hình lớn.
Nhưng dù sao, đó vẫn là chuyện của sau này, việc của thực tại à cố kiếp mà làm cho xong những mẻ bánh cuối cùng để dành tặng bạn bè. Kể ra, để làm cho ra được 1 chiếc bánh Trung Thu ra hình ra thù thì không hề khó, tuy nhiên, để có những chiếc bánh Trung Thu ngon thì lại đòi hỏi người làm chịu khó kỳ công 1 tẹo. Nước đường phải nấu và tích trữ cả năm để "xuống nước" mới cho lớp vỏ bánh nướng thật ngấu. Bột làm bánh dẻo thì phải là loại bột gạo ngon mới cho ra được lớp vỏ trắng tinh khôi, dẻo dẻo trong miệng. Mỡ đường để làm nhân bánh thập cẩm thì phải phơi 2 hôm dưới nắng để ánh nắng khiến chúng trở nên trong suốt, giòn tan trong miệng và rồi khi tất cả đã xong xuôi, bạn cũng phải đợi vài ngày, bánh nướng mới có được cái màu nâu cánh gián rất đỗi giòn mắt... Nghe thì có vẻ mất công tuy nhiên, có những thứ mà chỉ có thời gian mới làm nên được và chỉ khi có đủ kiên trì, bạn mới thấy được thành quả của mình khác biệt tới chừng nào.
Click để xem hình lớn.
Có rất nhiều vấn đề râu ria xung quanh việc làm bánh Trung Thu mà có lẽ mình khó lòng chia sẻ được hết được với các bạn qua post này. Hôm nay, mình chỉ có thể chia sẻ với các bạn cách làm loại bánh Trung Thu truyền thống nhất trong các loại truyền thống: bánh dẻo, bánh nướng nhân thập cẩm còn các vấn đề liên quan về khuôn bánh, về các loại nhân bánh, về công thức nước đường làm bánh mình xin mạn phép được để dành về sau trong 1 post kỹ thuật để mọi người tiện theo dõi.Thực ra, thời điểm này các loại nhân bánh làm sẵn đóng túi chân không được bày bán rất nhiều ở các cửa hàng bán nguyên liệu, để mẻ bánh phong phú, các bạn mua về dùng tạm nhé.

Nguyên liệu:
Nhân thập cẩm:
  • 200g lạp xưởng.
  • 200g vừng rang.
  • 200g hạnh nhân.
  • 200g hạt điều.
  • 200g hạt dưa.
  • 200g mứt sen chần.
  • 200g mứt bí.
  • 200g mỡ lợn.
  • 80g đường.
  • 1 chút lá chanh.
  • 1 chút nước đường và 1 chút bột gạo.
Bột bánh nướng:
  • 200g nước đường bánh nướng.*
  • 1 Tsp nước tro tàu.**
  • 1/4 Tsp baking soda.
  • 50g dầu ăn.
  • 320g bột mỳ.
Bột bánh dẻo:
  • 250g bột bánh dẻo (Bột gạo nếp rang).
  • 500g nước đường bánh dẻo.*
  • 15ml dầu ăn.
  • 15ml nước hoa bưởi.
 * : 2 loại nước đường này mình sẽ hướng dẫn cách nấu sau, các bạn có thể mua chúng ở các cửa hàng bán đồ làm bánh như Baking land ở Lê Văn Linh hoặc Baking center ở Nguyên Hồng.
**: Nước tro tàu bạn cũng có thể tìm ở địa chỉ trên.

Cùng vào bếp nhé:
Làm mỡ đường:

  • Mỡ bỏ bì, thái hạt lựu cỡ 0,3 x 0,3cm.
  • Cho đường vào, đảo đều, bọc nilon lại và phơi dưới nắng đến khi mỡ trong suốt, không có lõi trắng.
Làm nhân thập cẩm:

  • Rang hạnh nhân, hạt dưa.
  • Băm nhỏ mứt bí, mứt sen, hạt điều.

  • Thái nhỏ lạp xưởng, mỡ đường cho đều cỡ với các thành phần còn lại.
  • Thái sợi lá chanh.
  • Trộn tất cả nguyên liệu trong tô lớn, từ từ thêm nước đường và bột, dùng tay trộn đều nhân, nếu thiếu độ kết dính tiếp tục thêm nước đường đến khi nào thấy đủ độ kết dính, vo viên được là ok. Đừng để bị thừa nước đường nhé, nhân sẽ khó vo lại lắm đấy.
Trộn bột bánh dẻo:
  • Trộn tất cả nguyên liệu với nhau, đến khi năng tay và không còn nước lõng bõng là ok.
  • Rải bột áo ra bàn, nhào bột đến khi cảm thấy đủ dẻo, không bị dính quá là được.
  • Bột bánh dẻo trộn xong nên đóng bánh luôn, để lâu dễ bị khô, khó lên nét.
Đóng bánh dẻo:
  • Có nhiều loại khuôn bánh và nhiều khi thông số trên khuôn không được chính xác, cách tốt nhất để kiểm tra thể tích của khuôn là bạn hãi nhồi thử bột đầy khuôn, đóng lại và đem ra cân. Tỷ lệ khối lượng nhân và vỏ bánh dẻo của mình là 2:3, Hãy vo nhân và vỏ thành các khối cầu theo tỷ lệ này để dễ làm.
  • Dùng cây cán bột cán mỏng bột đã chia.
  • Dùng bột vỏ bọc kín lấy khối nhân đã vo, xoa chút bột áo lên.
  • Nhồi khối bột vào khuôn, lèn chặt tay, ép lấy vân và gõ hoặc bấm lò xo để nhả bánh (Tùy loại khuôn, khuôn gỗ thì phải gõ).
Và bạn sẽ có những chiếc bánh dẻo tuyệt đẹp thế này, bạn nên bảo quản bánh dẻo ở nơi kín, có độ ẩm để tránh bánh bị khô, nếu hút chân không được là tốt nhất.
Click để xem hình lớn.
Trộn bột bánh nướng: 
  • Trộn nước đường, nước tro tàu, baking soda và dầu ăn với nhau, để 4h.
  • Trộn bột vào nhào cùng hỗn hợp nước đường, nếu ướt thì thêm bột áo đến khi mịn mặt, không bết dính là ok.
  • Để bột nghỉ 30'.
Đóng bánh:

    • Có nhiều loại khuôn bánh và nhiều khi thông số trên khuôn không được chính xác, cách tốt nhất để kiểm tra thể tích của khuôn là bạn hãi nhồi thử bột đầy khuôn, đóng lại và đem ra cân. Tỷ lệ khối lượng nhân và vỏ bánh nướng của mình là 3:2 (ngược với bánh dẻo), Hãy vo nhân và vỏ thành các khối cầu theo tỷ lệ này để dễ làm.
    • Cán mỏng bột vỏ.
    • Dùng bột vỏ bọc kín nhân, lấy bột áo xoa đều bề mặt.
    • Lèn chặt vào khuôn, nén để lấy vân, gõ hoặc bấm lò xo để nhả bánh (Tùy loại khuôn, khuôn gỗ thì phải gõ).
    Nướng bánh:

    • Bật lò 180°C, để nóng 10'.
    • Nướng bánh 20' (bánh của mình 150g, cỡ to hơn thì nướng lâu hơn, cỡ nhỏ hơn thì nướng ít hơn).
    • Khoảng 5' mở cửa lò 1 lần, dùng bình phun sương bổ sung độ ẩm cho bánh. Công đoạn này giúp bánh không bị nứt vỏ.
    • Lấy 1 lòng đỏ trứng trộn với 1 Tsp nước, dùng chổi cọ quết đều khắp xung quanh và mặt bánh, công doạn này giúp làm bóng mặt bánh.
    • Cho bánh vào nướng thêm 3- 5'.

    Nếu thấy màu bánh chưa đúng cũng đừng vội lo, các bạn hãy để bánh nướng "xuống nước" 2 -3 ngày nhé, đến lúc đó màu cánh gián mới nổi bật lên và hương vị mới hoàn thiện. Cuối cùng thành quả là đây: 
    Click để xem hình lớn.
    Nếu còn thừa chút nhân sao bạn không trộn thêm ít bột để làm những con vật xinh xinh tặng cho bọn trẻ con hàng xóm nhỉ?
    Click để xem hình lớn.
    Chúc các bạn thành công nhé và chúc Trung Thu vui vẻ ! 

    You Might Also Like

    0 comments

    Bài viết nổi bật

    Youtube

    Facebook