f Torrijas - Được Yêu ở La Mallorquina - A Guy Who Cooks

Torrijas - Được Yêu ở La Mallorquina

tháng 3 28, 2018

Torrijas by A Guy Who Cooks 3
Click để xem ảnh lớn.
Buổi sáng cuối cùng ở Tây Ban Nha, tôi cố giữ cho thời gian trôi thật chậm. Không khí hối hả của mấy ngày làm việc và sự vội vã trong chuyến thăm chớp nhoáng thành phố phương Nam đã được bỏ lại đằng sau. Với chút thời gian ít ỏi còn lại, tôi tự thưởng cho mình một buổi sáng thảnh thơi ngay khu trung tâm Madrid. Sáng cuối tuần người ta ra đường khá muộn, có lẽ vì cuộc vui đêm cuối tuần mới chỉ kết thúc vài tiếng trước đó, cơn ngủ vẫn thấm đượm hơi men. Trên phố không còn cảnh huyên náo thường thấy, cửa hàng cửa hiệu phần lớn nghỉ nguyên ngày. Bến tàu xe, vỉa hè đều mang một màu thanh bình rất Châu Âu: chỉ có những bà mẹ dắt con nhỏ đi chợ cuối tuần, vài ông chú tóc muối tiêu tranh thủ uống cốc cà-phê trước khi bọn trẻ thức giấc và lấp đầy quảng trường với sự ồn ã và những người bán đồ cũ quanh Plaza Mayor đang bày những món đồ lặt vặt, cũ kỹ đủ chủng loại lên quầy để chuẩn bị đón những người sưu tầm hay khách du lịch nhìn ra được giá trị của chúng. Và phố phường cũng thuộc về những người đàn ông, đàn bà lớn tuổi vận đồ đen chỉnh tề, cầm trên tay một bó nhỏ lẫn lộn cả cành ô-liu và rosemary với những đốm hoa tim tím thơm thoảng cơn gió. Những con chiên ngoan đạo đang đến với ngôi nhà của Chúa cho buổi Chúa Nhật Lễ Lá.

Olive Branch
Click để xem ảnh lớn.
Lễ phục sinh chỉ còn cách đúng 1 tuần, và hôm nay đã là ngày "Domingo de Ramos" hay "Palm Sunday" trong Tiếng Anh, và Tiếng Việt thì gọi là "Chúa Nhật Lễ Lá". Cái tên "Palm Sunday" đến từ một nghi thức ki-tô giáo cổ để kỷ niệm ngày Chúa Jesus khải hoàn vào thành Jerusalem. Người ta kể rằng để chào đón Chúa, dân trong thành đã đem theo những cành cọ trên tay - loài cây lá biểu trưng cho hòa bình và chiến thắng. Họ rải áo và những cành cọ trước mỗi bước Người đi để tỏ lòng kính trọng. Ở những xứ mà cây cọ không sẵn có, người ta bắt đầu nghĩ cách thay thế bằng các giống cây địa phương và đó chính là lý do mà cành ô-liu - cũng tượng trưng cho hòa bình đã được người Madrid đem vào nhà thờ trong ngày lễ thiêng. Tôi không theo đạo, cũng chẳng có ý định vào thăm nhà thờ, nhưng cũng kịp mua lấy vài cành lá như một món lưu niệm để giữ lại buổi sáng thanh bình nơi đây. Còn nhớ hôm đầu tiên ở Madrid, cứ tiếc mãi vì ngại đông đúc nên không thử bánh của cửa hàng bánh cổ nhất thành phố - La Mallorquina. Người Tây Ban Nha có vẻ rất yêu đồ ngọt, dù ở Madrid hay Granada, hiệu bánh mang phong cách Ma-rốc hay Châu Âu, cửa hàng to hay nhỏ thì cảnh tấp nập khách khứa ra vào gần như luôn thường trực. Sáng nay thật khác, tiệm bánh từ năm 1894 cũng chỉ lác đác những vị khách đứng tuổi đang uống cà phê bên quầy, còn tôi cũng tranh thủ những giây phút vắng vẻ hiếm hoi của chốn này để mua cho mình một chiếc Torrijas - của ngọt mà người ta chỉ làm ra trong dịp lễ Phục Sinh.

Torrijas by A Guy Who Cooks 5
Click để xem ảnh lớn.
Nếu chưa được thử, hãy hình dung Torrijas giống như French Toast, là bánh mỳ nhúng trong sữa, trứng và đường rồi rán vàng lên. Người ta tin rằng, loại bánh này ra đời vào TK XV, được các nữ tu làm ra phỏng theo dáng vẻ của miếng thịt quay - thứ vốn dĩ bị cấm trong dịp Lent hay còn gọi là mùa chay. Mùa chay là khoảng thời gian 40 ngày trước lễ Phục Sinh, khi người ta tu thân để tránh phạm phải 7 tội lỗi trong kinh thánh, mà thịt quay là đồ ăn xa xỉ - tất yếu phạm vào 1 trong 7 tội đó: thói phàm ăn. Tuy nhiên đó mới chỉ là một nửa câu chuyện: có vẻ như Torrijas cố xuất xứ cổ xưa hơn thế, thừa hưởng từ một công thức cổ có tên gọi "Zalabiyya" trong thời kỳ Al-Andalus - thời chiếm đóng của người Hồi Giáo. Zalabiyya là một loại bánh rán trong dầu ô-liu rồi phủ mật ong có hương vị cũng như cách làm khá tương đồng. Theo truyền thống, thứ "thịt ngọt" mùa chay được làm từ bánh mỳ cũ, với rất nhiều phiên bản khác nhau: được ngâm trong sữa, mật ong hay thậm chí là rượu vang hoặc sherry. Sau đó tẩm trứng, rán trong dầu ô-liu và được phủ một lớp đường quế lên trên. Dù cho truyền thống kiêng cữ vào dịp lễ không còn được gìn giữ, nhiều món ăn đặc trưng của dịp này cũng vì thế mà vắng bóng dần nhưng Torrijas vẫn giữ được vị trí của nó trong văn hóa Tây Ban Nha cũng như trong lòng người.

Torrijas by A Guy Who Cooks 2
Click để xem ảnh lớn.
Torrijas ở La Mallorquina được làm theo một phong cách đặc biệt hơn so với những gì tôi đọc được về món ăn truyền thống này: ngoài việc nhúng sữa và rượu sherry, họ còn ngâm bánh trong một dung dịch si-rô loãng có vị rượu sherry và cam chanh sau khi rán, khiến cho miếng bánh hơi sũng nước chứ không giòn và đanh mặt như French Toast. Dù cho vẻ ngoài chẳng được bắt mắt nhưng hương vị thì chẳng thể nào chê trách cho nổi. Tôi lên máy bay để trở về Việt Nam chẳng lâu sau đó, vẫn còn chút vương vấn với Café Contardo, Chuletón và tất nhiên cả Torrijas vừa nếm ban sáng. Chẳng để cho hương vị kịp phai nhạt, tôi tìm cách thể hiện lại Torrijas nhà La Mallorquina ngay sau hôm đáp cánh về nhà. Là cái mềm mềm ngầy ngậy ở trong lòng, là cái vỏ vương cái hương xanh xanh của dầu ô-liu. Rán rồi nhưng chẳng giòn xốp mà hơi xèm xẹp, mềm mềm, sũng sũng để rồi khi cắn lấy một miếng, vị ngọt cùng hương men hoa quả đượm nồng tứa khắp vòm miệng, hòa cùng cái kết cấu mềm mượt như nhung tẩm hương vỏ cam chanh và quế thơm. Dù chẳng phải một bản sao hoàn chỉnh bởi có những thứ thuộc về bí quyết không thể sao chép hoặc những hương vị chẳng dễ tìm được ở Việt Nam như thứ rượu sherry với hương thơm đặc biệt tựa lê táo kia, nhưng cũng phần nào làm dịu đi nỗi nhớ nhung một xứ xa mới quen mà đã trót yêu.

Torrijas by A Guy Who Cooks 6
Click để xem ảnh lớn.
Nguyên liệu:
Si-rô :
  • 200 ml nước cam.
  • 50 ml nước chanh vàng
  • 500 ml vang đỏ
  • 250 g đường nâu.
  • 1 miếng quế dài 3 cm.
  • Vỏ của 1/2 quả cam Cao Phong hoặc cam Navel.
  • Vỏ của 1/2 quả chanh vàng.
Torrijas:
  • 1 ổ bánh mỳ baguette cỡ lớn, cắt thành 15 lát dày 2cm.*
  • 1 L sữa tươi.
  • 1 miếng quế dài 3 cm.
  • 1 tsp quế bột.
  • Vỏ của 1/2 quả cam Cao Phong hoặc cam Navel.
  • Vỏ của 1/2 quả chanh vàng.
  • 100 g đường nâu.
  • 4 trứng gà công nghiệp.
  • 500 ml dầu ô-liu.
*: Nên dùng bánh mỳ cũ đã bi khô, bánh khô sẽ định hình tốt hơn khi ngâm sữa, đồng thời cũng hút được nhiều sữa hơn.

Cùng vào bếp nhé:
Si-rô :
  • Trộn tất cả các nguyên liệu cùng nhau, đun cho đến khi sôi nhẹ thì hạ lửa thật nhỏ và đun thêm 20' đến khi sánh nhẹ.
  • Băc khỏi bếp, lọc bỏ quế và vỏ cam chanh rồi để nguội.
Torrijas:
  • Đun sữa với đường nâu, quế, vỏ cam chanh cho đến khi sôi nhẹ thì bắc khỏi bếp và đậy vung khoảng 10'.
  • Mở vung và để dung dịch nguội lại cho đến khi chỉ còn âm ấm thì đổ vào khay sâu lòng.
  • Nhúng mỗi mặt của miếng bánh mỳ vào dung dịch trong khoảng 10", sau đó xếp vào khay và cất vào ngăn lạnh 10' cho ngấm. Nếu còn thừa dung dịch thì hãy để lại để trộn cùng si-rô.
  • Đun nóng dầu ô-liu trong chảo 20 cm trên lửa vừa, đánh tan trứng rồi nhúng đẫm mỗi miếng bánh trong đó trước khi rán trong chảo. Chỉ rán tầm 3-4 miếng một lúc và lật mặt khi mặt dưới đã chín vàng.
  • Dùng giấy hút dầu để lót rổ và vớt bánh ra cho ráo. Rắc đều bột quế lên bánh còn đang nóng.
  • Xếp bánh vào khay sâu, đổ si-rô lên bánh một lượt sao cho ngập 2/3. Nếu thừa si-rô có thể cất đi dùng lần sau. Bánh có thể ăn nóng hoặc lạnh.
Torrijas by A Guy Who Cooks 1
Click để xem ảnh lớn.

Chúc bạn ngon miệng!

You Might Also Like

0 comments

Bài viết nổi bật

Youtube

Facebook