f Viết #1: Truyền Thống - A Guy Who Cooks

Viết #1: Truyền Thống

tháng 1 28, 2017

Medal of Honor
Truyền thống không nhất thiết phải là một tấm huân chương, dù đôi khi, nó đúng là vậy...

Trưa Mùng Một Tết mỗi năm, cả gia đình tôi lại quây quần ngay dưới ban thờ, dùng bữa cơm đầu tiên của năm mới trong căn phòng phảng phất khói hương. Đã như vậy từ rất lâu rồi, khắc ghi trong những ký ức xưa cũ nhất mà tôi còn có thể gọi về từ tiềm thức. Dù không gian, thời gian hay con người có thể thay đổi nhưng mỗi ngày Mùng Một đó, tôi đều thấy lại một chút gì đó của ngày xưa. Thấy căn nhà nhỏ cũ kỹ trên tầng hai, manh chiếu cói đỏ đỏ, nâu nâu rải trên đám gạch hoa xanh xanh trắng trắng, mâm cỗ 4 bát 6 đĩa đủ đầy kiểu xưa đặt giữa một cái cảnh rất "Tết". Khói hương quẩn trong tiết trời u ám ẩm thấp của tháng Giêng. Dáng bà, dáng mẹ nhanh thoăn thoắt trong căn bếp còn đượm mùi than củi, mùi dầu hỏa. Trẻ con chí chóe tranh cãi một chuyện không tưởng nào đó, người lớn cười nói trong những câu chuyện tiếu lâm có chút dung tục mà lớn rồi ta mới hiểu hàm ý, và những quyển album, những tấm ảnh ố vàng, những kỷ vật xưa cũ cũng được đem ra để cùng ôn lại kỷ niệm. Sự huyên náo khi đó giờ là xa xỉ, Tết nay thường chỉ có ba mẹ con chúng tôi bởi giờ ai cũng ở xa, căn nhà đậm chất "bao cấp" khi xưa, giờ cũng không còn. Thế nhưng có những điều vẫn vậy, như mâm cỗ dưới ban thờ chẳng ai dám bỏ, như tủ giả từ căn nhà cũ cũng được chuyển về đây cùng vô số những kỷ niệm thân thương chất chứa trong ngăn, trong hộc: là chai rượu Liên Xô đã chuyển màu nâu đen, miệng chai vẫn được niêm phong bằng sáp từ thưở nào, là những bức ảnh, cánh thư cũ kỹ được bó thành từng tập và cả những giấy khen, huân chương của ông, của bà từ xưa rất xưa... Tất cả những gì còn lại trong chiếc tủ cũ kỹ đó đều là một phần của truyền thống.

Gia đình nào cũng có những mảnh truyền thống rất riêng, bạn có thể thích hoặc không nhưng chẳng thể chối bỏ bởi đó là một phần cố hữu trong máu thịt. Truyền thống có thể là một nghề nghiệp đã nuôi sống cả gia đình bạn qua nhiều thế hệ, có thể là một giá trị tinh thần không ai nỡ bỏ quên như thể Tết phải có đào có quất, phải luộc bánh chưng hay bố từng ở trong đội bóng vô địch cấp trường thì con cũng luôn háo hức chờ đến ngày được cùng đồng đội nâng cao chiếc cúp ấy. Truyền thống cũng có thể chỉ đơn giản là một nếp sống như thể cuối tuần là lúc tụ họp đại gia đình, một trò chơi hay một món ăn không thể thiếu trong những dịp đó. Truyền thống có thể cao siêu, cũng có thể bình dị, truyền thống không nhất thiết phải là một tấm huân chương, dù đôi khi, nó đúng là vậy. Tôi vẫn luôn cảm thấy thích thú mỗi lần cầm trên tay huân chương kháng chiến của ông. Nó chỉ là một mảnh kim loại nhỏ xíu, cũ kỹ trong mắt bất kỳ một ai đó, nhưng trong thế giới của tôi, đó là một niềm tự hào lớn lao. Tự hào bởi giá trị mà tiền nhân đã ra sức để đấu tranh, dùng khả năng của mình để bảo vệ những kẻ yếu hơn. Và khi niềm tự hào đã ở trong tim, là lúc ta biết mình muốn tiếp nối truyền thống đó đến chừng nào.

Có nhất thiết phải tiếp nối một truyền thống hay không? Tất nhiên là không nhất thiết, không ai có thể thích thú với toàn bộ những gì mà ông cha mình gìn giữ. Nhưng chắc chắn, trong số tất cả những điều đó, sẽ có những thứ hữu ích cho cuộc sống của bạn. Sẽ có những điều bạn cần: như một ngón nghề để nuôi sống gia đình. Sẽ có điều bạn tin tưởng: như sự hào hiệp hay cách cư xử tử tế không mong vụ lợi. Cũng có khi chỉ đơn giản đó là điều khiến bạn cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc, như những trò vui ngày Tết, những dịp quây quần của cả gia đình. Đó là những gì ta nên chọn để tiếp nối, bởi truyền thống giống như một dòng sông ngầm, chảy nhanh không ngừng, đem theo những giá trị cốt lõi ngấm dần từ thế hệ này qua thế hệ khác, để vàng thì lắng lại còn thau thì trôi xa.

You Might Also Like

0 comments

Bài viết nổi bật

Youtube

Facebook