f Chỉ Một Ngày Ở Granada - A Guy Who Cooks

Chỉ Một Ngày Ở Granada

tháng 5 12, 2018

Trời đã tối, qua đôi mắt còn ngái ngủ những đốm đèn đường xanh, đỏ, vàng nhảy múa, nhòe đi trên những giọt mưa đọng lại cửa kính xe. Rừng ô-liu đã ở lại phía sau, xe buýt đang đi trên những con phố ven đô của Granada, tìm đường vào bến sau 5 tiếng khởi hành từ Madrid. Nghĩ lại thì Granada quả là một sự lựa chọn khó khăn, tôi đã có thể chọn những phương án dễ thở hơn: ở lại và khám phá Madrid, tới thăm Segovia - thành phố của những cây cầu dẫn nước La Mã hay trở lại cố đô Toledo để có một chuyến mò mẫm thong thả. Thế nhưng bản tính cố chấp của một đứa trẻ sinh tháng 5 không cho phép tôi lùi bước dù cho kế hoạch đã thay đổi và tôi chỉ còn khoảng 48 tiếng tự do trên đất này sau khi hoàn tất những nội dung của chuyến công tác ở Tây Ban Nha. Thành phố phương Nam mà tôi ái mộ từ nhỏ vẫn phải là điểm đến bởi lâu lắm rồi tôi mới có cơ hội ở gần nó đến thế. Khi vé xe đi Granada, phòng nghỉ và tour vào thành Alhambra đã được đặt và máy in nhả dần những tấm vé ra khay giấy, đó là khoảnh khắc không còn đường lùi. Tôi có 36 tiếng để đến Granada, khám phá thành phố xinh đẹp phương Nam đó và quay trở lại Madrid, dành nốt 12 giờ còn lại để nghỉ ngơi và mua sắm vài món cần thiết trước khi ra sân bay về nước. Tôi vốn ghét những chuyến đi vội vã, cảm giác bị thúc giục như thể có chú thỏ trắng cầm đồng hồ quả quýt trong câu chuyện "Allice in Wonderland" lèm bèm suốt bên tai về chuyện thời gian. Nhưng tôi biết Granada đáng cho sự hy sinh đó bởi nó mang nhiều ý nghĩa hơn tất cả những gì người ta nói trên những cuốn tạp chí du lịch hay mạng xã hội.

Alhambra by A Guy Who Cooks 25

"Granada đáng giá gì? Chẳng gì cả... Tất cả."

Granada Night by A Guy Who Cooks

Ngọn núi trên cao sừng sững những tháp canh vuông vức xây bằng đá khối đang được thắp sáng bởi ánh đèn rọi vàng vọt. Chúng đã đứng đó cả ngàn năm, qua bao biến cố trong lịch sử thành phố. Nhìn lên thành trì kiên cố, khi xưa là trung tâm quyền lực của cả một vương quốc mà giờ đây chẳng còn ông hoàng bà chúa nào ngự nơi đây, tôi chợt nghĩ tới một cảnh trong "Kingdom of Heaven" khi hai thủ lĩnh quân đội của người Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo kết thúc cuộc đàm phán của họ:

  • Balian of Ibelin: What is Jerusalem worth?
  • Saladin: Nothing. [quay lưng bước đi]
  • Saladin: Everything!
Granada by Edoardo Colombo
Ảnh: Edoardo Colombo
Hàng ngàn năm lịch sử của Granada giống như một cuốn tiểu thuyết ly kỳ, với cốt truyện phức tạp, bao âm mưu hiểm độc và những điển tích mang đậm tinh thần của chủ nghĩa khoái lạc. Khởi nguyên của đô thành này là một khu dịnh cư nhỏ của người Iberia cổ đại, cụ thể hơn chính là quận Albayzín trên sườn núi dẫn lên nơi sẽ trở thành Alhambra nhiều thế kỷ sau đó. Qua thời gian, lãnh thổ này cũng như toàn bộ bán đảo Iberia đã là một phần của Đế Chế La Mã rồi kế đến là vương quốc của người Visigoth. Vào thời đại của người Goth, khu dân cư nhỏ dưới chân núi đã dần trở nên sầm uất, trở thành nơi cư ngụ của nhiều nhóm sắc tộc khác nhau, trong đó có những thương nhân Do Thái giàu có. Bất mãn với sự cai trị hà khắc của người Visigoth, người Do Thái quyết định ủng hộ cuộc xâm lược Iberia của vương triều Hồi Giáo Umayyad bắt đầu từ năm 711. Chẳng bao lâu sau, triều đại hùng mạnh kia đã chiếm được hầu hết các lãnh thổ trên đất Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay, vùng đất này được gọi là Al-Andalus - chính là nguồn gốc của tên xứ Andalusia. Granada cũng được chính thức thành lập trong thời gian đó, tên thành phố được cho rằng theo tên của cộng đồng Do Thái năm xưa đã giúp Tariq ibn Ziyad chinh phục vùng đất này: Gárnata. Thật tình cờ, "Granada" trong tiếng Tây Ban Nha cũng có nghĩa là quả lựu, và hình ảnh quả lựu cũng có mặt trên phù hiệu của thành phố.

Xứ Al-Andalus đạt đến đỉnh cao thịnh vượng vào TK IX, dân số của toàn xứ khi đó đã đạt tới hơn 6 triệu người, với 5 triệu người Moor (dân Hồi Giáo Bắc Phi). Thủ đô Córdoba cách Granada không xa trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị và học thuật, vì thế văn hóa miền Nam Tây Ban Nha chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các giá trị văn hóa, nghệ thuật Hồi Giáo cho tới tận bây giờ. Như một quy luật không tránh khỏi, sau khi đạt đến đỉnh thì sẽ là một cú trượt dốc, triều Umayyad sụp đổ vào TK XI và Al-Andalus bị cát cứ bởi các tiểu quốc gọi là Taifa. Các thời kỳ cát cứ xen kẽ với những thời kỳ Al-Andalus thống nhất dưới những chính quyền trung ương của triều đại Almoravid và Almohad. Trong suốt hơn 5 thế kỷ, sự chia rẽ của người Hồi cuối cùng đã đẩy họ vào cảnh mất đi toàn bộ lãnh thổ phương Nam Iberia. Bản thân các tiểu quốc này cũng bất hòa với nhau dẫn tới chiến tranh liên miên, nhiều Taifa thậm chí còn kết minh với các vương quốc Cơ Đốc Giáo để cùng chia nhau lãnh thổ của các tiểu quốc thua trận khác khiến tình hình chính trị trên bán đảo thay đổi về phía có lợi cho người Tây Ban Nha. Riêng Granada với địa thế đặc biệt: được bảo vệ bởi biển và dãy núi Sierra Nevada, đồng thời nằm trên con đường giao thương Đông Tây cũng như nắm quyền kiểm soát mũi Gibraltar - cánh cửa ra Đại Tây Dương, tiểu quốc phương Nam vẫn giữ được nền hòa bình của mình và trở nên giàu có. Chính điều này cũng làm cho Granada trở thành một thành phố đa sắc tộc và tôn giáo.

Thời kỳ lụi bai của người Moor lại là lúc cuộc tái chinh phục - Reconquista của vương quốc Castile và vương quốc Aragon (sau này hợp nhất thành vương quốc Tây Ban Nha) đạt được những kết quả đáng kể. Người Tây Ban Nha dùng chiến lược chia rẽ và chinh phục, từng bước một liên minh và tiêu diệt các Taifa khác nhau. Sau khi Córdoba và Seville thất thủ năm 1236 và 1248, Granada trở thành chốn tị nạn duy nhất cho người Hồi Giáo trên toàn cõi, đồng nghĩa với việc tinh hoa và của cải của cả một dân tộc cũng đã dồn về chốn này. Tiểu Vương Mohammed ibn Yusuf ibn Nasr thành lập vương triều Nasrid với tư cách là một nước chư hầu phải triều cống cho nhà vua của Castile, đổi lại con cháu ông đã có thêm thời gian để trị vì từ cung điện Alhambra ngày càng phù hoa, giàu có trong suốt 250 năm kế tiếp. Đó là kỷ nguyên vàng của Granada. Nhưng chẳng lâu sau, những cuộc tranh giành quyền lực nội bộ của tầng lớp quý tộc đã đẩy tiểu vương quốc này vào bế tắc, tất cả những mối bất hòa đều nhận được sự ủng hộ của hai vương quốc: Castile và Aragon. Khi người Granada nồi da nấu thịt thì hay vương quốc của người Tây Ban Nha đã thống nhất qua cuộc hôn nhân giữa Nữ Vương Isabella của Castile và Vua Fernando của Aragon. Boabdil - vị tiểu vương Granada cuối cùng lên ngôi sau khi cha mình bị lật đổ đã chẳng còn gì trong tay ngoài kinh thành Granada bởi tất cả các lãnh địa khác đã bị quân Tây Ban Nha đánh chiếm trong thời gian người Hồi còn đang bận tranh đấu quyền lực phía trong những bức tường thành.
La Rendición de Granada  by Francisco Pradilla Ortiz
Sultan Abu `Abdallah Muhammad XII Boabdil đầu hàng vua Fernando và nữ vương Isabella. Tranh của Francisco Pradilla Ortiz.
Cuộc tranh đấu là bi kịch của một chuyện tình, của những ghen tuông được thổi bùng thành một ngọn lửa dữ, thiêu rụi cả một vương triều rực rỡ. Đó là chuyện tình giữa Abu l-Hasan Ali - cha đẻ của tiểu vương Boabdil và con gái của một quý tộc Castile - Isabel de Solís. Vị Vua thứ 20 của vương triều Nasrid từ chối việc triều cống người Tây Ban Nha và một cuộc chiến giữa hai vương quốc là không tránh khỏi. Có lẽ chiến lợi phẩm lớn nhất mà cuộc xung đột này đem lại cho vị tiểu vương không phải là vàng bạc, châu báu hay đất đai mà là một người tri kỷ. Theo nguyên tắc chiến tranh thời đó, những tù nhân có xuất thân quý tộc sẽ được chuộc lại bởi gia đình của họ, tuy nhiên, nhà Solís đã từ chối khoản chuộc và Isabel de Solís đã trở thành một nô lệ trong cuộc bể dâu đó. Isabel chẳng chịu phận nô lệ bao lâu, sau khi bị mua bởi nhà vua của Granada bà đã sớm giành được trọn vẹn tình cảm của vị đế vương này và là vợ của ngài sau khi đã cải đạo và đổi tên thành Zoraya. Người vợ chính thức của tiểu vương, cũng là mẹ của Boabdil bị đuổi khỏi cung mà mất đi vị trí của mình. Việc một hoàng hậu có xuất thân quý tộc Hồi Giáo - một hậu duệ của nhà tiên tri Mohammed bị phế bỏ và thay thế bởi một phụ nữ từng là con chiên ngoan đạo của Jesus là một điều không thể chấp nhận với cả người dân, giới quý tộc lẫn những người có chức sắc tôn giáo. Sự bất mãn ngày càng leo thang và nội chiến đã diễn ra sau những bức tường của Alhambra. Cuộc chiến cuối cùng đã kết thúc, phe phái của hoàng hậu Aixa đã chiến thắng với sự can thiệp và những hứa hẹn đường mật của Castile. De Solís cùng hai con trai bị bắt làm tù nhân. Abu l-Hasan Ali bị ép thoái vị và nhường ngôi cho con trưởng Muhammad XII "Boabdil", cả phần đời còn lại ông cống hiến cho những cuộc cướp phá đất đai của Castile với mục đích chuộc lại lỗi lầm với quốc gia và gây dựng lại uy tín của bản thân để lấy lại tự do cho người thiếp yêu của mình. Ông đã lấy lại được tự do cho Zoraya, nhưng lỗi lầm với đất nước thì chẳng bao giờ có thể bù đắp được. Đã quá muộn để Granada lấy lại được những ngày hoàng kim của nó.

Những binh đoàn Tây Ban Nha bắt đầu vây hãm Granada một cách cẩn trọng vào năm 1491 bởi họ biết người Moor là những chiến binh quả cảm. Họ đã chiến đấu trên những bức tường này như thể bảo vệ chính thánh địa linh thiêng Mecca và chủ động kéo quân quấy phá trại địch như thể chính họ mới là những kẻ đang ở thế tấn công. Từ phía doanh trại của người Cơ Đốc Giáo, mọi nỗ lực để phá cổng chính đều không có kết quả, những bức tường vĩ đại của thành phố được gia cố bởi lòng dũng cảm của lính Granada gần như không thể công phá, và cuộc vây hãm đã trở thành một cuộc chiến tiêu thổ thay vì đối đầu trực diện. Kết quả của lối chiến tranh này chẳng bao giờ có lợi cho những kẻ bị vây hãm bởi lương thực thuốc men và khí giới trong thành chỉ có hạn. Sau 8 tháng chiến đấu ngoan cường, Tiểu Vương Abu `Abdallah Muhammad XII Boabdil cuối cùng đã đầu hàng để chấm dứt cảnh khổ đau của dân chúng trong thành. Đổi lại, hoàng gia Granada được quyền được sống lưu vong ở một vùng đất giữa dãy Sierra Nevada và quyền tự do tôn giáo được bảo toàn cho người Moor, tuy nhiên lời hứa về quyền tự do đó chẳng bao lâu sau đã chẳng còn là thật.


Triều đại Hồi Giáo cuối cùng trên đất Tây Ban Nha đã kết thúc như vậy, nhà Vua và Nữ Vương tạm rời đô từ Toledo về Granada để tiện kiểm soát an ninh xứ Al-Andalus mới tái chiếm. Họ cùng nhau trị vì từ cung điện Alhambra trong vài năm rồi lại quay trở về kinh đô chính thống, sắc lệnh Hoàng Gia cho Christopher Columbus cũng đã được ký nơi đây. Granada từng là tất cả và rồi chẳng là gì cả, nó không còn có vai trò quan trọng trong trò chơi vương quyền. Nhưng dù sao chăng nữa, những giá trị mà các tiền triều để lại đã khiến cho thành phố này đã làm nó trở nên bất diệt. Granada có lẽ cũng chia sẻ một số phận tương tự với Jerusalem: một báu vật bị tranh giành giữa các thế lực khác nhau trong một trò chơi vương quyền chẳng có hồi kết. Là chiến địa giữa các tôn giáo, là đích đến của những cuộc thánh chiến, nơi người ta đổ máu vì những niềm tin trái ngược. Nhưng mặt khác, khi ý đồ chính trị của các bậc vua chúa đã hoàn tất, nó chẳng là gì ngoài một đống đá lạnh ngắt, rồi một ngày cũng sẽ bị mưa gió cuốn trôi.

Alhambra by A Guy Who Cooks 8

"Tôi yêu Granada trước hết bởi trót mê đắm Alhambra."


Tôi biết giới hạn thời gian của mình, cảm giác giống như khi mở mắt ra thấy mình đã ở Granada và biết chỉ có một ngày để sống. Nếu chỉ có một ngày để sống giữa thành phố đẹp đẽ đến vậy, tôi nguyện cắt một nửa thời gian cho Alhambra. Ý định cho chuyến đi vội vàng khởi nguồn từ gần 20 năm trước, khi một chương trình truyền hình về những lâu đài đẹp nhất Châu Âu đã in hình ảnh vòi phun nước sư tử, khu vườn thượng uyển xanh mát và pháo đài đỏ rực trong nắng chiều vào tâm trí của cậu bé tiểu học. Và sau ngần đó năm, nó vẫn có sức thu hút ghê gớm đến độ tôi chẳng dám bỏ phí cơ hội để đến được nơi này. Granada hôm nay rất lạnh sau cơn mưa đêm tầm tã, nhưng bầu không khí sau cơn mưa như được thanh tẩy. Tôi cảm nhận được cái lạnh thanh khiết, trong veo qua khí quản được ướp hương buổi sớm Châu Âu. Nó là một hợp chất của mùi lá mục, mùi không khí khô, mùi của quả, của hoa, của lá, của nền đá lát lép bép nước đọng - thứ hương khiến ta tỉnh cả cơn ngủ nhưng lại chìm vào một cơn say khác. Cổng lâu đài nằm trên núi cao, được dẫn lên bởi một con đường lắt léo. Chỉ nhìn qua cũng có thể dễ dàng hiểu được vì sao Granada lại là tiểu quốc Hồi Giáo cuối cùng tồn tại trên đất Al-Andalus. Nếu là một tướng quân, tôi sẽ không để quân lính của mình phí hoài mạng sống với những đợt tấn công trực diện lên pháo đài vững chãi kia, những bờ dốc cao vợi đó hay những con đường lòng vòng như mê cung chỉ dẫn đến điểm đến duy nhất là một trận địa mưa tên bão đạn đổ xuống từ trên cao.


Alhambra có nghĩa là "Đỏ", để giải thích người ta cho rằng cái tên có hàm ý để chỉ màu sắc của tường thành có được do xây từ loại đá núi đặc biệt của mảnh đất này. Dù những bức tường đã được tẩy trắng sau cuộc tái chinh phục của người Tây Ban Nha, sau bao năm tháng màu sắc gốc cũng dần lộ diện, thêm vào đó lớp đất đá đỏ xung quanh phản chiếu lên bức tường cùng bụi đất bám lên đó cũng tạo nên màu sắc đặc trưng của tòa hồng thành. Những người khác lại cho rằng tên gọi của lâu đài có liên hệ trực tiếp tới bộ tộc tổ tiên của nhà Nasrid: Banu al-Ahmar - những đứa con trai của sắc đỏ. Một tòa thành nhỏ đã được người Hồi xâm lược xây dựng ở đây vào năm 889 từ tàn tích của một pháo đài La Mã. Thế nhưng phải đến TK XIII - TK XIV, nó mới thực sự được mở rộng thành một công trình phòng thủ bất khả xâm phạm như những gì chúng ta thấy hiện tại. Con đường nhập thành dẫn qua cánh cổng chính mang tên "Puerta de la Justicia" - cánh cổng công lý chưa một lần bị quân thù xuyên thủng. Tòa tháp vuông cao sừng sững tưởng như chỉ cần đảm bảo tốt vai trò như một chướng ngại vật thô kệch, chặn bước những đạo quân xâm lược. Thế nhưng nó còn làm tốt hơn vậy, công trình này còn là một món đồ trang trí để phô diễn sự giàu có của Granada với hai lớp cổng tò vò được trang trí tinh xảo, mang những ý nghĩa tôn giáo thâm sâu.

Ngay chính giữa vòm ngoài là một bàn tay năm ngón được khắc chạm thẳng lên nền đá hoa cương trắng, tượng trưng cho 5 cái đức cơ bản của người Hồi Giáo: Lòng trung nhất quán với đức Allah, cầu nguyện đúng giờ, nhịn ăn vào dịp Ramadan, có tâm bố thí và hành hương về Mecca ít nhất một lần trong đời. Cổng phía trong nhỏ và được trang trí tinh xảo hơn với những dòng chữ Ả-rập trích từ kinh Quran chạy ngang bên trên và một hình chìa khóa khắc chìm vào đá. Biểu tượng chìa khóa mang ý nghĩa tượng trưng cho quyền lực mở cổng thiên đàng của nhà tiên tri Mohammed. Hướng dẫn viên là một cô gái người Granada bản xứ đã kể cho tôi biết một truyền thuyết về hai biểu tượng này: khi xưa người ta cho rằng cổng công lý sẽ luôn đứng vững và ngăn bước mọi kẻ thù cho tới ngày bàn tay nắm lấy chìa khóa. Quả là chưa có quân đội nào dùng vũ lực mà qua được cánh cổng này, nó vẫn còn đó cho nhân loại chiêm ngưỡng.

Alhambra by A Guy Who Cooks 16

Những lớp tường thành dù là bất khả xâm phạm

nhưng cũng không thể chống chọi lại với sự độc ác của thời gian



Cũng như bao pháo đài khác, Alhambra được chia làm nhiều khu vực quân sự và dân sự khác nhau . Diện tích của thành khá lớn lại thêm đường đi khá lắt léo, phức tạp nên nếu tự khám phá mà không có hướng dẫn viên thì một người xa lạ với nơi này chắc chắn sẽ bị lạc. Quảng trường chính nằm ở phía cuối con đường dốc cách "Puerta de la Justicia" không xa, hai bên được bo chặt bằng những đống gạch đá đổ nát mà trước đây hẳn là tường thành. Quảng trường này giống như trái tim của thành nội, trong quá khứ là nơi mà mọi sự kiện đại chúng trong thành được tổ chức, giờ là cột mốc số 0 cho du khách đến thăm. Gió đang rít từng cơn, qua khoảng trống giữa những ngọn tháp vĩ đại của Alcazaba. 3 lớp tường của Alcazaba chỉ có thể được xâm nhập qua một ô cửa nhỏ và một hệ thống hành lang ngoằn nghèo bởi nơi này chính là căn cứ quân sự của thành Alhambra và là thành trì kiên cố cuối cùng khi cánh cổng công lý không còn giữ được. Sự ác độc của thời gian gần như đã lấy đi tất cả những gì đã từng tồn tại ở phía bên trong khu quân sự này, chỉ những tòa tháp kiên cố và tường thành liên kết giữa chúng còn đứng vững. Ngoại trừ tháp son - Torres Bermejas được cho rằng đã có sẵn ở đây từ trước cuộc xâm lược của người Moor, hầu hết các công trình của Alcazaba đều được xây dựng vào TK XIII, dưới thời Mohammed I. Vai trò quân sự quan trọng của nó đã cho nơi này một đặc quyền: tầm nhìn toàn cảnh thành phố 360°.
Alhambra Panorama

Toàn cảnh thành phố hiện ra từ trên đỉnh Torre de la Vela



Trên ngọn tháp cao nhất của Alcazaba: Torre de la Vela - tháp nến, gió lùa liên hồi, tạt bay mũ áo của những kẻ tò mò dám với đến nơi đây, thế nhưng tôi đã quên mất cái lạnh tê tái mà chúng để lại nơi sống lưng, bởi toàn bộ tâm trí đã dành trọn cho bức tranh tuyệt đẹp chỉ có thể được chiêm ngưỡng tử nơi đây. Sierra Nevada xanh biếc ở phía xa, ngay dưới đó là vùng thôn dã Vega, vẫn còn khoác manh áo kết từ những tấm màu xanh úa và nâu của cây cối chưa kịp thức tỉnh sau mùa Đông dài. Thành phố thì ngay phía dưới, nhà cửa chỉ nhỏ xíu như mô hình Lego. Khu Albayzín của người Hồi Giáo tường trắng ngói nâu đỏ, khu Sacromonte của dân Di-gan cheo leo trên những sườn đồi cằn cỗi sỏi đá chen cỏ dại ở phía xa và khu Realejo giàu có với những căn nhà vườn cây cối xum xuê, bám theo con đường xuống núi nằm ngay sát bên chân thành là nơi đã một thời thuộc về tộc Do Thái. Từ trên cao, có thể thấy rõ hơn bao giờ hết: Granada là nơi có nhiều hơn một dân tộc chọn làm quê nhà. Dù cho người Tây Ban Nha đã tái chinh phục xứ này được hơn 500 năm, tòa án tôn giáo được thành lập sau đó không lâu đã gieo bao đau thương cho thành phố quả lựu và dù chiếc chuông trên tòa tháp nến vẫn được đánh lên đều đặn mỗi năm một lần vào ngày mùng 2 tháng Một để kỷ niệm dịp ông hoàng Fernando và bà hoàng Isabella tiến vào tiếp quản thành phố từ tiểu vương Boabdil thì Granada vẫn vậy, vẫn là ngôi nhà chung của cả người Moor, người Di-gan, người Do Thái lẫn người Tây Ban Nha Cơ Đốc Giáo. Họ không tồn tại tách biệt như những nhóm sắc tộc khác nhau trong ngày tháng xưa cũ mà những giá trị văn hóa của họ đã hòa quyện với nhau thành một màu sắc rất riêng của xứ sở Andalusia.

Court of the myrtle by A Guy Who Cooks 1

"Minh châu của Alhambra."

Thật khó tin rằng giữa thành cao hào sâu lại có một khu vườn nhỏ thơ mộng. Nằm trên lối đi ra khỏi khu căn cứ quân sự, khu vườn men theo một tường thành thấp ở lớp ngoài cùng của Alcazaba với những cây cam xòe tán trĩu quả trên cao, những bụi cây thấp bám theo bờ tường được cắt tỉa cẩn thận và những vòi phun nước được chạm trổ cầu kỳ, những chi tiết chạm khắc giờ chẳng còn dễ nhìn ra bởi chúng đã nhòa đi ít nhiều sau hàng trăm năm phong sương.  Nhưng để nói về vẻ đẹp của những đài phun nước hay nghệ thuật điêu khắc ẩn phía trong lớp tường thành của Alhambra, ta cần phải tìm tới Palacios Nazaríes ở phía bên kia quảng trường.




Vào thời đại của Yusuf I, Alhambra đạt đến đỉnh cao của sự phù hoa, cung điện tinh xảo được xây dựng bởi những nghệ nhân bậc thầy người Moor và Tây Ban Nha đã trở thành viên minh châu của kinh thành, ẩn sau những bức tường đỏ bất khả xâm phạm. Từ đó, nơi đây cũng đã trở thành nơi sinh sống và làm việc chính thức của Hoàng Gia, thay cho không gian tù túng trong những ngọn tháp của Alcazaba, thế nhưng phải đến thời con trai ngài - Mohammed V tất cả các công trình trong tổ hợp này mới được hoàn thiện. Cung điện Nasrid là một tạo vật đặc biệt, nó mang những nét đặc trưng của kiến trúc Andalusia như những cửa tò vò với bo ngoài hình chữ nhật và những vòm mở dạng móng ngựa. Nhưng mặt khác, nó cũng có những điểm độc đáo, chẳng thể tìm thấy ở những cung điện, đền đài thành Cordoba hay bất kỳ đô thành nào trên khắp đất Al-Andalus.

Nghệ thuật Hồi Giáo không được phép tái hiện những hình ảnh mô phỏng con người bởi theo kinh Quran, chỉ có Chúa mới có khả năng và quyền lực làm điều đó. Đó chính là lý do mà ta chỉ bắt gặp kiểu trang trí bằng những hoa văn hay những nét thư pháp cursive và kufic trên mọi công trình kiến trúc Ả-rập. Cung Nasrid cũng không phải ngoại lệ, những nét trang trí thư pháp kinh điển, nhắc lại câu danh ngôn của người sáng lập vương triều Zawi ben Ziri: "Chỉ có đấng Thiên Chúa là người chiến thắng" với tần suất khá dày đặc. Những tác phẩm thơ của các thi sĩ xuất sắc xứ Granada cũng được khắc lên những căn phòng khác nhau. Cùng với đó là các mô-típ trang trí cách điệu từ thực vật hay dạng lưới kết từ những hình thoi đan chéo nhau. Mọi không gian, bất kể lớn nhỏ, bất kể hình khối đều được trang trí một cách diêm dúa, cầu kỳ. Những yếu tố trang hoàng được thực hiện theo phương châm "càng nhiều càng ít", phần lớn những cổng vòm được dựng ở nội thất đều là giả chỉ dùng cho mục đích trang trí chứ không phải một cấu trúc chịu lực. Những bức tường được phủ kín bởi những bức bích họa tuyệt đẹp bằng gạch sứ và thạch cao. Những chi tiết trên trần, trên đầu cột hay lan can... được làm bằng gỗ đều được chạm khắc tinh xảo.


Nhưng điểm khác biệt đã làm nên cá tính của nó nằm ở những cột kèo chạy dọc khắp những hành lang nơi này và màu sắc trung tính có phần trang nhã hơn phong cách kiến trúc ở những đô thành được dựng xây tại các vùng đất theo đạo Hồi khác. Trái tim của Alhambra được xây dựng với một thiết kế cột của riêng nó: thân cột hình trụ mảnh, phần chân đế loe đều và phía trên được trang trí bởi những vòng tròn nổi, đầu cột hình hoa cách điệu có những đường vát khá mềm mại trước khi chuyển thành dạng khối trụ vuông. Trong khi đó, những cây cột với thân dày hơn được dùng rất phổ biến ở khắp các đền dài, cung điện trong thế giới Hồi Giáo. Cordoba nổi tiếng với những vòm hay mặt tiền được trang trí cầu kỳ, phối giữa sắc đỏ cam và xám đá. Về phía Đông, như những gì tôi đã chứng kiến tận mắt: Istanbul và Cairo rất chuộng sử dụng sắc xanh saphire, xanh trứng sáo, xanh ngọc và vàng hoàng kim để trang hoàng cho những chốn quyền lực. Trong khi đó nơi đặt ngai vàng của tiểu quốc Granada năm nào chỉ đơn thuần khoác lên mình sắc trắng ngà chủ đạo rất đỗi lịch thiệp. Có thể vì nó chẳng phải là một cung điện lớn nên chẳng phù hợp với những nét trang hoàng lộng lẫy, cũng có thể đó là ảnh hưởng của văn hóa Tây Ban Nha tới quan niệm thẩm mỹ của người Moor mà cũng có khi đó là đặc trưng do vật liệu xây dựng, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng mà ra. Dù là gì đi chăng nữa, nó cũng một lý do hoàn hảo.

Mexuar by A Guy Who Cooks 6

Mexuar - trung tâm quyền lực một thời



Bước qua hai lớp cửa và một hành lang lắt léo khá tối, tôi đã ở trong sảnh chính của khu Mexuar.  Đây là khu vực làm việc của nhà vua và các quan đại thần, nơi những công việc nội chính và những tranh chấp kiện tụng được giải quyết. Nền nhà được lát gạch đỏ theo hình xương cá, những viên gạch khấp khểnh dưới chân gần như đã bạc sạch sắc đỏ đối lập với chân tường ốp gạch sứ, đôi chỗ đã chẳng còn nguyên vẹn nhưng vẫn là những sắc màu tươi tắn dù đã trải hàng trăm năm. Người ta nói rằng Mexuar là khu vực bị tổn hại, xây sửa và phục dựng nhiều nhất, cũng là nơi ít được trang hoàng nhất trong cả cung điện nhưng những gì mà tôi thấy được trong căn phòng này đã thực sự đủ để giới thiệu cho cả thế giới biết về sự cầu kỳ của nghệ thuật kiến trúc Granada cũng như sự giao thoa văn hóa đặc biệt của Granada. Trong cùng một không gian, huy hiệu của vua Carlos I được vẽ trên gạch sứ với khẩu hiệu "PLVS VLTRE" và vương miện vàng trên nền xanh vẫn thật hòa hợp giữa những bức tường gắn phù điêu thạch cao tinh xảo, những hoa văn đa giác được chạm thẳng lên trần gỗ nâu tối, những dòng chữ Ả-rập trên đầu cột mang sắc trắng ngà và xanh được trang trí với các mô-típ diêm dúa. Carlos I của Tây Ban Nha, đồng thời được biết đến là Hoàng Đế Karl V của Đế Chế La Mã Thần Thánh chính là một người dành lòng ái mộ cuồng nhiệt dành cho cung điện Ả-rập tới độ sau khi dành thời gian trăng mật ở Alhambra, ông đã quyết xây dựng một cung điện mới ngay sát vách để ở lại và trị vì từ nơi đây, dù cung điện đó chưa bao giờ được hoàn thành trong thời của ngài.


Mexuar nối với Palacio de Comares bằng một giếng trời với nền gạch hoa cương trắng phau, vòi phun nước tròn xinh như một bông cúc chảy róc rách trong khi tôi mải sửng sốt trước một công trình điêu khắc thạch cao đồ sộ và tỉ mỉ. Đó là lối vào khu vực sinh sống chính thức của các tiểu vương Granada nhà Nasrid. Những cổng lớn thông thường của các cung điện Châu Âu hay Châu Á có số cửa lẻ nhưng ở đây, trên mặt tiền đã ngả nâu đỏ có hai ô cửa lớn, viền bo cửa cũng như chân tường được lát gạch sứ với hoa văn nhiều màu nom vui mắt mà không phá hỏng sự trang nhã tổng thể. Cánh cổng này dẫn tới Patio de los Arrayanes - cung điện của những bụi sim. Một bể nước vuông vức trải dài theo sân điện với những bụi sim được cắt tỉa vuông vức hai bên, sắc xanh tươi tắn tương phản với nền đá trắng và những bức tường màu ngà và nâu của những dãy nhà. Nước là biểu tượng cho quyền lực của nhà vua vì vậy hồ nước này luôn được giữ đầy bởi hai đài phun ở hai phía đầu hồi, được thiết kế bằng một kỹ thuật cực kỳ khó khăn và đắt đỏ lúc đương thời. Bóng hình của Torre de Comares - ngọn tháp cao nhất toàn Alhambra và những cột kèo trang trí công phu của hành lang phía đối diện hiện ra dưới mặt hồ khi nắng hửng lên. Tháp Comares là nơi đặt ngai vàng của tiểu vương và cũng là sảnh tiếp đón sứ thần. Vườn sim, hồ nước, cột kèo, cổng vòm chạm trổ tinh vi, vòm giả  dạng tổ ong chẳng phải được dựng xây chỉ cho sự thỏa mãn cá nhân của quốc vương mà còn đóng vai trò như một màn biểu diễn mãn nhãn cho các sứ thần từ khắp các miền đất trên con đường dẫn tới nhà vua.

Hall of Ambassadors by Kongres Magazine

Palacio de Comares - cung vàng điện ngọc của Alhambra

Ảnh: Kongres Magazine & Hall of Ambassadors by Jan Zeschky


Cổng chính trang trí theo cấu trúc tổ ong Mocárabe, mô phỏng hang động nơi nhà tiên tri Mohammed nhận kinh Quran từ Chúa Trời dẫn vào Sala de la Barca - có vẻ như là một sảnh nghỉ trước khi diện kiến tiểu vương ở phía trong Salón de los Embajadores. Sảnh chính trong tháp Comares là nơi vương giả bậc nhất trong cả cung điện, chiếm trọn không gian của hai tầng phía trong của tòa tháp cao và lớn nhất toàn lâu đài. Những bức tường được trang trí bằng những hình hoa lá cách điệu, những hình khối hoa văn, những nét thư pháp Ả-rập, viết lại những bài thơ hay lời cầu nguyện và chân tường ốp gạch sứ cũng giống như ở bất kỳ khu vực nào khác trong cung điện nhưng điểm đặc biệt nằm ở mật độ dày đặc của chúng đã được đẩy đến mức cực điểm mà vẫn hài hòa với nhau. Trần nhà là một kiệt tác của nghệ thuật chế tác gỗ, ngà voi, bạc và khảm trai, mô phỏng bảy tầng thiên đường của Hồi Giáo với ngai vàng của Chúa Trời ở chính giữa được biểu trưng bởi một vòm tổ ong nhỏ. Phía trên đó giống như một dải ngân hà, một đêm hội pháo hoa, mà có lẽ khi xưa sắc màu ảo diệu hơn giờ bao phần. Tiểu vương của Granada hẳn muốn khẳng định quyền lực dưới vòm trời của mình biết bao nên mới cho dựng xây một cấu trúc kỳ công đến vậy.
Court of the lions by Komakut

Palacio de los Leones - nơi Hoàng Gia gọi là nhà

Ảnh: Komakut


Dù cung điện được trang hoàng diêm dúa, hoa mỹ nhưng những lối đi dẫn tới những khu vực riêng tư của Hoàng Gia lại được thiết kế thật khéo léo và kín đáo. Cung sư tử - Palacio de los Leones nằm ngay sát vách vườn sim, qua một ô cửa thấp và hẹp hơn hẳn những nơi tôi từng bước qua trong buổi sáng hôm đó. Lối đi nhỏ dẫn tới Sala de los Mocárabes, những cấu trúc tổ ong Mocárabe trên trần làm nên tên gọi của gian phòng đã bị phá hủy hoàn toàn trong vụ nổ kho thuốc súng năm 1590 cùng với nhiều khu vực khác trong toàn khu vực Palacios Nazaríes. Đó là lý do mà phần trần nhà ở gian này được xây dựng hoàn toàn theo kiến trúc Tây Phương. Ngoài điều đáng tiếc đó, Palacio de los Leones là đỉnh cao lộng lẫy của nghệ thuật thời Nasrid. Vẻ diễm lệ của cung điện này cho thấy sự tinh tế và hài hòa khó có thể sánh bằng, nước, âm thanh, ánh sáng, sắc màu và những chi tiết trang trí cầu kỳ đã khiến chốn đây trở thành màn niềm vui thú kỳ diệu cho mọi giác quan. Trên tường, những họa tiết quả trám và thư pháp đã thưa thớt, nhường phần lớn diện tích cho các mô-típ hoa lá cách điệu như một sự chuyển biến theo hướng Âu hóa. Sau những hàng cột ngà, những vòm tổ ong với những dòng chữ Ả-rập đắp nổi nhỏ xíu là khoảng sân với đài phun nước nổi tiếng. Tôi cảm thấy thật tiếc vì không thể bước qua những mái vòm tổ ong đó, tới gần tượng đài với 12 con sư tử đá cẩm thạch, chạm tay vào những tia nước mát và nhìn thật kỹ những hoa văn đẹp đẽ được khắc trên bồn nước ở chính giữa. Những con sư tử mang ý nghĩa là tướng sĩ hộ giá nhà vua và 4 kênh dẫn bằng cẩm thạch kéo nước từ bốn hướng tụ về nơi này mang ý nghĩa hình tượng là quyền lực tập trung của nhà vua với mọi lãnh địa của vương quốc.

Cuộc sống của một Sultan xứ Granada thật đáng ghen tị, sở hữu một khu vườn nhỏ tuyệt đẹp giữa cung điện với nước chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo trên những mái ngói của các khu nhà tứ phía, mặt trời chiếu qua bụi cây in hoa nắng xuống sàn cẩm thạch và đàn con ríu rít mừng cha trở về giữa những hành lang in bóng những hàng cột hoa mỹ. Nếu là vua chúa, đó có thể là niềm an ủi duy nhất của tôi để mỗi ngày thức dậy đối đầu với những đối thủ trong trò chơi vương quyền. Trong quá khứ, Palacio de los Leones là trung tâm của cả khu hậu cung, hay còn gọi là harem. Nhưng khác với kiểu hậu cung Đông Á, nơi này chỉ mang hàm nghĩa là nhà riêng của quốc vương thay vì là một chốn phù phiếm với bạt ngàn cung tần mỹ nữ. Có một điều thật tuyệt trong thiết kế của cung điện này, đó là sự di chuyển của những dòng nước từ 4 đài phun nằm ngay ngưỡng cửa của những căn phòng chính trong cung. Điều đó làm nên sức sống của cung điện và cũng làm nên một câu chuyện trong ngày tàn của Granada. Sảnh lớn ở phía Nam của cung điện - Sala de los Abencerrajes với trần nhà dày đặc những kết cấu tổ ong tuyệt đẹp là nơi đã diễn ra vụ tàn sát gia tộc Abencerraj vì người đứng đầu tộc này đã cả gan tư thông với cung phi được vua Boabdil hết mực yêu dấu. Người ta kể rằng đó là ngày đài phun nước ở Patio de los Leones bị nhuộm đỏ và những vết ố còn lại tới ngày nay trên bồn nước ở sảnh Abencerrajes chính là vết máu của những nạn nhân xấu số.
Imperial Residence by A Guy Who Cooks 3

Hoàng Đế Carlos I vì quá cảm mến nơi đây mà đã cho dựng một cung điện mới

Carlos I Pallace by A Guy Who Cooks 4

Cung điện sư tử kết thúc ở ban công nhỏ có tên là Mirador de Daraxa, ban công được trang trí bằng những bài thơ có tầm nhìn xuống một khu vườn với những cây cam trĩu quả. Khu vườn đó là trung tâm của một khu nhà mới hơn, được xây dựng kiểu Phục Hưng - nơi Hoàng Đế Carlos I đã ở lại trong kỳ trăng mật dài của mình. Tình yêu của Carlos với Alhambra cũng là tình yêu của ông dành cho vợ mình: Isabella của Bồ Đào Nha. Kỳ trăng mật hạnh phúc của họ dành trọn cho Granada và có lẽ những cảm xúc đẹp đẽ đó cùng với vẻ đẹp diệu kỳ của cung điện Hồi Giáo đã khiến Hoàng Đế muốn định cư chốn này. Cung điện theo phong cách Phục Hưng Palacio de Carlos đã được dựng lên ngay sát Palacios Nazaríes. Một công trình kiến trúc vuông vức với sân trong độc đáo hình tròn đáng nhẽ đã là nơi đặt ngai vàng của người đàn ông quyền lực nhất Châu Âu thời bấy giờ. Thế nhưng những khó khăn về tài chính của quốc gia do những chiến dịch quân sự tốn kém đã cản trở ước mơ đó trở thành hiện thực. Trong suốt 5 thế kỷ, cung điện vua Carlos đã ở đó trong tình trạng dang dở, đôi lúc, tình hình đã tệ đến độ những mái nhà đã đổ sụp xuống. Thật may mắn, công trình đã được hoàn thiện vào năm 1957, và trở thành một bảo tàng như ngày nay.

Generalife by A Guy Who Cooks 8

"Tới Generalife đừng để quên một mảnh hồn ở lại..."


Nếu có nhiều thời gian hơn dù chỉ là nửa tiếng đồng hồ, tôi sẽ dành để khám phá khu Alhambra thượng - nơi hoa mộc lan nở kín những cây chỉ cao tầm người, dây nho lớn đổ nhoài lên giàn pergola trên những cột đá xám và nhà cửa  xinh xắn với hồ nước hình chữ nhật và những bụi bách xù cao ngổng trước cửa. Đây là khu vực nằm cao hơn so với cung điện và được cách biệt bởi một mương nước. Vào thời Ả-rập, đây là một thành phố nhỏ nơi có nhà của các quan chức cấp cao và gia đình họ. Khi người Tây Ban Nha tiếp quản thành phố, đặc biệt là trong thời của Carlos I khi phần nhiều diện tích của thượng Alhambra được chưng dụng để xây dựng cung điện mới cho Hoàng Đế thì các khu dân cư đã bị giải tán và cư dân nơi này đã buộc phải chuyển xuống thành phố dưới chân núi. Vậy là khu vực này chỉ còn lại một khu vườn mang tên Patal, một biệt thự cổ mang tên Torre de las Damas - Tòa tháp của các quý cô, một cổng vào mang tên Puerta del Vino - cái tên mang ý nghĩa là "cổng rượu" là kết quả của một sự hiểu lầm xuất phát từ bất đồng ngôn ngữ thật buồn cười. Phía thấp hơn là một nhà tắm Ả-rập được đặt ngay sát nhà thờ Hồi Giáo - sau đã được cải tạo lại thành một nhà thờ Cơ Đốc Giáo.Vị trí của nhà tắm và nhà thờ như vậy bởi với người Ả-rập thì việc tẩy trần trước khi cầu nguyện là vô cùng quan trọng. Con đường từ đây thả dốc thoai thoải xuống phía dưới, những khu nhà không rõ tên thưa dần để nhường chỗ cho cây cỏ hoa lá. Con đường đầy những kỳ hoa dị thảo dẫn qua một cổng thành, nếu không cẩn thận chỉ cần bước qua đó rồi sẽ chẳng muốn về nhà.
Generalife by A Guy Who Cooks 2

Cọn đường dẫn sang Generalife đầy những sắc màu hoa cỏ

Generalife by A Guy Who Cooks 3

Phía bên đó là Generalife, cung điện mùa hè của các tiểu vương Granada. Nơi đây không có tường thành bảo vệ, không có những âm mưu tranh quyền đoạt vị hay những việc quan hệ lân bang phức tạp. Generalife được xây dựng vì một mục đích duy nhất: trở thành một vườn địa đàng, một nơi trốn chạy của nhà vua để tránh khỏi những việc chính trị đau đầu trong cung. Trái với cung điện Nasrid ở phía sau tầng tầng lớp lớp những tường thành phía bên kia, hàng phòng thủ kiên cố của Generalife chính là vẻ đẹp mơ màng của nó. Vẻ đẹp có thể làm mềm lòng những bạo chúa và cảm hóa những đạo quân man rợ nhất còn tồn tại dưới vòm trời này. Những ngọn tháp và tường thành Alhambra phía dưới giống như những món đồ trang trí cho hậu cảnh của khu vườn được thả nhẹ theo triền đồi. Mùa đông chưa tan hẳn, những cành cây khẳng khiu vẫn chưa lên chồi non mùa mới, những gốc nho còn chưa kịp trổ những sợi tơ xanh xoăn tít cuốn lấy giàn. Thế nhưng những bụi cây thấp đã dần ra hoa nhí đủ màu, cây lê cây đào  cũng điểm những đốm hoa trăng trắng, phớt hồng trên những cành khẳng khiu. Và những tán cam cuối vụ vẫn xum xuê cành lá, đung đưa những quả chín vàng rực trong cơn gió lay bụi bách xù và đám dẻ trụi lá xám xịt. Gió lạnh và khô làm cay mắt người ngắm nhìn khiến thành phố bên dưới nhòe đi thành những mảng trăng trắng nâu nâu như qua ống kính bị out nét.


Generalife không được trang trí một cách ấn tượng như người chị em ở phía quả núi kế bên. Khác với Alhambra, những khu nhà bên này có vẻ đơn thuần hơn rất nhiều. Đó cũng là ý muốn của tiểu vương để nơi đây được là chốn thanh bình, tách biệt hẳn với nơi làm ngài mệt mỏi với công việc hàng ngày. Dù như vậy đi chăng nữa, trên những mặt tiền, những hành lang đầu hồi cũng chẳng thể nào vắng bóng những mô-típ trang trí bằng thạch cao đặc trưng của nền văn hóa này. Patio de la Acequia mùa này không được rạng rỡ như những bức ảnh ngày hè nhưng hồ nước dài với những vòi phun, bắn nước rơi thành những hạt châu, tí tách rơi xuống thành đá phủ rêu được bo sát bởi những khoảnh đất trồng đủ giống hoa đỏ, tím, vàng nom vẫn thật đầy sức sống. Đi qua cánh cổng sư tử bên phía Patio del Ciprés de la Sultana, chuyến thăm ngắn ngủi cho cung điện lạc thú đã trôi đến hồi kết. Tôi thả bước trên con đường phủ bóng cây bách xù, nghĩ về việc đến Generalife không phải trong khoảng thời gian đẹp nhất trong năm của nàng và nghĩ đó cũng là điều may. May mắn bởi tôi e rằng nếu được chiêm ngưỡng nơi này vào mùa cây lá xum xuê và ánh nắng chan hòa, sẽ thật đau lòng khi quay lưng rời đi, hơn lúc này rất nhiều.

"Granada là những góc phố hẹp..."


Nếu đã tới đây mà không thả bước theo những con phố dốc nhỏ xíu xuôi theo những triền núi dẫn tới Alhambra thì đó sẽ là một chuyến đi vô vị. Tôi quyết định dùng chút thời gian cho việc tản bộ thư thả, bù lại cho ban sáng có phần vội vã. Bầu trời đã quang đãng hơn, những mảng xanh lơ đã dần xuất hiện giữa biển mây trắng trùng điệp khiến sức ép về mặt thời gian dường như cũng nhẹ đi phần nào, trong một phút nào đó, tôi đã quên mất rằng mình sẽ phải trở lại Madrid sau ít giờ nữa. Con đường mà tôi chọn xuôi xuống Plaza Nueva - nơi những nghệ sĩ Flamenco đường phố thường biểu diễn, ngỡ tưởng chỉ là một khu phố đơn thuần mà lại vô tình dẫn lạc vào giữa khu Realejo với những khu nhà vườn trên núi gọi là Carmen xinh đẹp đến ngỡ ngàng. Nhà cửa nơi này chủ yếu vẫn khoác sắc trắng hoặc gạch đỏ phai, trên mái lợp ngói sấp ngửa đặc trưng kiểu Địa Trung Hải, làm thành những gợn sóng mang sắc nâu đỏ. Người ta chuộng làm biển tên nhà bằng gạch sứ vẽ tay và tô điểm cho những ngưỡng cửa bằng những chi tiết sắt uốn, những hoa văn khắc thẳng lên gỗ hoặc thi thoảng, sắc đỏ rượu quyến rũ lại điểm tô cho phần tường bo cổng chính của một Carmen nào đó. Cây leo rủ xuống từ bờ rào, nơi những cây cam lốm đốm quả tròn, cây dẻ khẳng khiu xam xám, mimosa ra hoa vàng rực như những ông pháo sáng và những rặng bách bông xù như cái đuôi cáo màu xanh vươn lên và đu đưa trong gió. Trước cửa nhà thường là những chậu cây nho nhỏ bằng gốm, thường chỉ là mấy giống đơn giản chịu hạn nhìn giống lô hội, xương rồng hoặc vài bụi Lavender đã kịp cho hoa sớm. Những cầu thang với tay vịn đúc từ cùng chất liệu với con đường dưới chân, đường trải bằng đá cuội, đã lún chặt trong nền đất đầy những rêu phong, cỏ dại nhỏ xíu. Qua những ngõ hẻm, vài ngã rẽ, đôi con dốc hẹp giữa hai khu nhà, phố cổ đã hòa vào phố chính từ bao giờ.


Nếu như khu Realejo trên núi là một ốc đảo thanh bình, chỉ nghe tiếng chim hót và bước chân của chính mình thì phía dưới quảng trường Plaza Nueva lại là một nơi đông vui nhộn nhịp đậm chất Latin. Tôi không bắt gặp những màn trình diễn Flamenco đường phố như dự định ban đầu, chắc vì chưa đúng thời điểm, nhưng ở đây, tôi đã tìm được một tiệm Gelato với vị kem lựu ngon tuyệt và một nhà hàng địa phương mang nhiều nét cổ điển rất đáng yêu. Nơi đó có tên Restaurante Bar Leon, được vẽ trên một bảng gạch sứ với viền hoa văn xanh, ốp ngay dưới bộ cửa sắt uốn đen. Nhà hàng này có món Tortilla del Sacromonte - trứng đúc thịt mộc mạc của người Di-gan và cá rán Pescaito Frito ngon tuyệt. Cá cơm trắng Boquerones được bọc trong lớp bột mỏng trộn từ bột mỳ và bột đậu răng ngựa để tạo độ xốp thơm cho lớp vỏ, khác hẳn với chỉ dùng độc bột mỳ. Sau đó, chúng được rán ngập trong dầu ô-liu sẵn có ở những vùng canh tác khắp trong xứ, ở đâu đó người ta coi dầu ô-liu như vàng lỏng quý giá đến độ không nỡ dùng với liều lượng lớn đến vậy còn ở đây, nó quen thuộc và bình dị như là uống nước mỗi ngày. Kết cấu xốp của bột bao và hương thơm của dầu ô-liu đã làm nên cái độc đáo cho một món ăn nghe chừng đơn giản. Plaza Nueva là trái tim của thành phố và quanh nó là khu vực du lịch với rất nhiều quầy lưu niệm, hàng quán với đủ phong cách: Ả-rập, Tapas Bar, quán ăn kiểu Tây Ban Nha... Giống như một gallery trưng bày sự đa dạng văn hóa của thành phố này, nhưng sự chỉn chu, ngăn nắp của cả khu vực khiến tôi thực sự vẫn chỉ cảm nhận được văn hóa Châu Âu ngự trị khắp nơi. Chỉ khi tiến sâu hơn vào quận Albayzín, tôi mới nhận thấy sự chuyển màu. Chỉ là vô tình đi ngang qua, nhưng con phố nhỏ với những mái hiên tạm bợ được căng bằng nilon đua ra trước thềm nhà đã cuốn lấy sự chú ý của tôi.


Bầu không khí có mùi hỗn loạn quen thuộc, đặc trưng của những dân tộc phương Đông. Đó là sự ồn ào kẻ bán người mua, là sự kém chỉn chu trong bày biện hàng hóa, là sự thiếu nguyên tắc khi nói tới vỉa hè, lòng đường. Hàng hóa bày tràn ra cả đường sá, hàng ngàn thứ chẳng được sắp xếp theo một logic nào. Những quầy lưu niệm đầy khuyên tai mỹ ký đủ màu. Những miếng gạch sứ hoa văn Ả-rập bé xíu để gắn tủ lạnh chất đầy những giá xoay, nhữngbộ ấm chén uống trà bằng bạc sáng loáng trên giá, còn đám bàn thấp uống trà được dùng như cái đôn để đặt thập cẩm những mặt hàng khác lên trên ngay ngoài bậu cửa. Đèn thủy tinh nhiều màu với dáng bầu bầu treo kín phía trên đầu nom thích mắt như một đêm hội hoa đăng. Tôi lập tức bị thu hút bởi một cửa hiệu thơm nức mùi gia vị. Đó giống như một Gourmet Shop của những hậu duệ người Moor, nơi có tủ kính với những món bánh bé xíu kiẻu Hồi thơm nức mùi đinh hương và quế. Nhưng cũng chẳng chắc là mùi thơm của bánh hay hương thoảng từ giá gia vị để lộ thiên trên những giỏ mây ở kệ kế bên hoặc của đám hương trầm được nén thành những viên hình nón đủ màu sắc phía cuối nhà. Chỉ đơn giản là tuyệt diệu. Phía bên kia cửa hiệu là một căn nhà đóng cửa kín mít, nghiễm nhiên nơi đó trở thành không nghệ thuật thu nhỏ của hai người đàn ông vẽ Henna và thư pháp Ả-rập với mức phí còn rẻ hơn một chiếc bánh ngọt nhỏ xíu trong cửa tiệm vừa rồi. Thật dễ nhận thấy đôi mắt Ả-rập trong veo trên gương mặt của người viết thư pháp, thế mới bảo dù lịch sử có xoay vần ra sao, Granada vẫn là nhà của người Moor, chừng nào con người còn tồn tại văn hóa sẽ còn tồn tại như cái bầu không khí Ả rập đặc trưng có thể cảm nhận thật rõ ngay cả khi chỉ khẽ lướt qua, vẫn hiển hiện giữa một thành phố phương Nam Tây Ban Nha.

"Granada là thánh địa Tapas..."

Ở Granada thì Tapas không chỉ là đồ ăn, nó còn là một nét văn hóa đặc biệt. Các Taberna và Bodega ở thành phố này có một cách vận hành thật lạ: Mỗi đồ uống được phục vụ cho khách hàng đều có đồ tapas đi kèm miễn phí và khó tin hơn nữa là giá đồ uống không đắt hơn ở những thành phố khác. Granada và những thành phố nhỏ ở phía đông xứ Andalusia là những nơi hiếm hoi mà truyền thống này vẫn còn được bảo tồn. Tapas bán kèm với đồ uống có lẽ là một truyền thống bắt đầu từ thời vua Alfonso X của Castile. Người ta kể rằng, ông mắc phải chứng bệnh xơ gan vậy nên bác sĩ buộc phải chia khẩu phần ăn của nhà vua thành những bữa nhỏ với một lượng rượu nhỏ đi kèm giống như cách người ta dùng tapas ngày nay. Sau khi phục hồi, người đã nhận thấy lợi ích của lối ăn uống kèm với một lượng rượu vừa phải và cho ban sắc lệnh trên toàn xứ Castile cấm việc bán rượu ở các nhà trọ, quán xá mà không có đồ ăn đi kèm. Nhiều người cho rằng sắc lệnh này còn có hàm ý sâu xa hơn, để hạn chế thói nát rượu ở tầng lớp lao động nghèo: nếu không có sắc lệnh này, những người nông dân thường không thể chi trả cho cả rượu và đồ ăn sẽ chọn uống rượu với cái bụng rỗng thay vì ăn một thức ấm dạ nào đó. Thế nhưng không ai chắc rằng việc những miếng nhỏ này được phục vụ miễn phí đã có từ khi đó hay chưa. Người ta chỉ nhớ được câu cổ nhất về Tapas miễn phí vào thời nội chiến Tây Ban Nha những năm 1930, người dân sống với chế độ ăn uống đạm bạc do chiến tranh đói kém liên miên. Những quầy bar trên khắp Tây Ban Nha bắt đầu học theo nhau, bán đồ uống kèm với phần ăn nhỏ miễn phí như một giải pháp để kéo thêm khách hàng tới với mình.Truyền thống đó vẫn được giữ trên khắp đất nước cho tới khi Tây Ban Nha trở thành một điểm đến du lịch phổ biến thời hiện đại. Khi đó, các chủ hàng đã nhận ra rằng Tapas có thể giúp họ kiếm bộn tiền thay vì là một món tặng để kích cầu và rồi người ta đã gắn giá cho nó ở hầu hết các quán xá khắp đất nước này.

Cái tên "Tapas" đến từ động từ tapar có nghĩa là: đậy lại, thể hiện đúng bản chất của những món ăn này trong ngày đầu của chúng. Người ta tin rằng tapas xuất phát điểm là bữa ăn nhẹ đơn giản của những người làm đồng gồm vài lát bánh mỳ và một ít rượu. Khi chưa ăn tới, người ta dùng bánh để che miệng cốc rượu ngăn côn trùng sa vào đó. Đến một thời điểm nào đó khi cuộc sống đã no đủ hơn và tapas đã trở thành món ăn trong quán rượu, trên lát bánh mỳ đã có thêm thịt nguội, cá anchovy hoặc được thay hẳn bằng những chiếc đĩa nhỏ với khẩu phần bé xíu trên đó vừa đủ cho khách nhắm rượu. Tapas hiếm khi xuất hiện mà không đi kèm đồ uống có cồn, nó cũng không phải là một bữa ăn, không có nhà hàng Tapas mà chỉ có những quầy bar có phục vụ Tapas. Nó cũng chẳng phải là một thứ gì cụ thể, không phải chỉ là những lát bánh mỳ với topping được ghim chặt bằng tăm, nó có thể chỉ là một đám hạt hạnh nhân, mấy quả ô-liu ngâm vỏ cam thơm tươi tắn, một miếng pho-mát Manchego, có khi lại là mấy mẩu cá mực chiên giòn nức mùi dầu ô-liu mới, chút thịt quay thơm nức, một viên thịt hay một miếng cá om ấm nồng... Dù cho việc bán những món nhắm nhỏ xinh chắc chắn là một món hời, Granada vẫn là thành trì của nét văn hóa Tapas miễn phí. Vẫn còn rất nhiều những quán rượu khắp thành phố học thuật này duy trì lối kinh doanh chịu nhiều thiệt thòi đó để chiều lòng khách hàng thường xuyên của mình - những sinh viên đang theo học các trường đại học của đô thành phương nam. 

Vì sợ không kiếm được chỗ ngồi ngay trong tối đặt chân tới Granada, tôi đã bỏ qua bữa chính để tới ngay một Taberna nổi tiếng của thành phố này, nơi biển hiệu khắc dòng chữ: Chantarela. Dù trời mưa và lạnh ngắt, người ta đã kịp đừng kín quầy bar và những chiếc bàn cao. Tôi cảm thấy mình đã có một lựa chọn khá đúng đắn bởi nhìn qua cũng dễ thấy đa phần khách hàng là dân địa phương. Quán vừa phục vụ đồ ăn thông thường vừa vận hành như một tapas bar, khách ngồi bàn thấp có thể gọi món trong menu bữa chính trong khi khách đến uống rượu phía quầy bar và ghế cao sẽ được phục vụ Tapas miễn phí kèm theo mỗi đồ uống. Nhưng tối thứ Sáu có vẻ không phải là thời điểm lý tưởng để bán đồ ăn trong menu món chính. Hàng người chờ để có một chỗ ở quầy bar ngày càng dài ra phía sau tôi. Cô phục vụ với mái tóc đen và lối ăn nói nhanh nhảu vẫy tay phải ra hiệu trong lúc dùng tay trái lật bỏ khăn trải bản của một vài bộ bàn ghế thấp. Vậy là thật may tôi đã có một chỗ để thưởng thức nét văn hóa đặc trưng của Granada mà không phải chờ thêm. Chantarela là một bảo tàng của nghệ thuật thưởng thức Tapas, hay người Tây Ban Nha gọi là "Tapeo". Tôi không chỉ nói tới những món ăn nho nhỏ hoàn toàn miễn phí được bê ra từ cửa bếp cùng mỗi ly rượu dọn tới từ quầy bar mà muốn nói đến cả bầu không khí huyên náo mà khách hàng đã tạo cho nơi này. Tiếng cười nói rôm rả, chất giọng Latin vui vẻ và tiếng lạch cạch liên hồi của ly, của đĩa được dọn lên mặt bàn gỗ từ những đôi tay nhanh thoăn thoắt đã làm nên một thứ âm nhạc đặc biệt mà chẳng ban nhạc nào có thể làm ra. Nơi đây chẳng cần có nhạc nhưng ai nấy đều vui, sau vài ba lượt rượu.

Tapas là miễn phí và hoàn toàn ngẫu nhiên theo ý thích của đầu bếp thay vì theo lựa chọn của thực khách, nhưng tôi cũng dần đọc được quy luật ra món của họ. Có lẽ các món đã được nhà bếp đánh số, món số 1 sẽ đi cùng đồ uống đầu tiên, món số 2 sẽ đi cùng đồ uống thứ nhì và cứ thế đến khi khách không thể uống thêm gì nữa. Vì vậy, để ý bàn kế bên một chút tôi đã có thể đoán được món ra tiếp theo, nhưng cũng có lúc suy đoán không chính xác lắm, có thể là do nhà bếp hết đồ và phải thay bằng món khác, phục vụ lấy nhầm món hoặc do đồ uống của tôi không hợp nên họ phải đổi thứ khác, tôi cũng không rõ nữa nhưng để người ta làm mình bất ngờ theo cách này thật sự rất thú vị. Đồ ăn miễn phí không có nghĩa là chất lượng không đáng tính phí, Chantarela tiếp đãi tôi không hề tệ. Ngó nhanh sang đôi nam nữ bàn bên, tôi thấy vang trắng với hai miếng Croqueta đựng trong giỏ sắt lót giấy thấm dầu. Về phần mình, tôi khai vị bằng một ly Vermú (rượu Vermouth) và dùng thêm một ly vang đỏ, đi kèm với chúng là một món cá và một món thịt viên, cả hai đều om trong sốt cà chua, nhưng là hai loại sốt hoàn toàn khác nhau với một lát bánh mỳ và một miếng khoai đi kèm mỗi phần. Bình dị vậy thôi mà cái ngọt ngào ấm áp đã đốn gục cái miệng đã trót bị làm hư bởi mấy nhà hàng có sao Michellin suốt vài hôm trước. Chỉ đơn giản là cảm giác thỏa mãn, như đứa trẻ đói rét được về trong vòng tay của mẹ và được đãi món súp gà yêu thích. Nếu hội bạn điên rồ của tôi cùng có mặt trong tối đó, có lẽ tôi đã đi đến cùng với trò chơi Tapas, để xem toàn bộ những gì Chantarela có thể mang ra từ phía sau cánh cửa bếp, có lẽ để dành dịp sau. Đồ ăn miễn phí mà ngon là một cú sốc nhưng hóa đơn lại là cú sốc lớn hơn: mỗi đồ uống chỉ vẻn vẹn khoảng 3 EUR, chẳng đắt hơn mua đồ uống ở Madrid dù chỉ một xu dù có miếng ngon đi kèm.

Winegate by A Guy Who Cooks 2

"Những gì còn nợ nhau, hẹn lần sau sẽ trả..."


Tôi ngậm ngùi dể dành những mảnh còn lại của Granada cho chuyến trở lại vẫn chưa định ngày. Tôi còn nợ ngọn đồi thiêng Sacromonte của người Di-gan một buổi xem Flamenco dưới vòm nhà thô ráp. Những nhà hàng, tiệm bánh Ả-rập ở Albayzín vẫn chờ tôi ghé thăm để viết về chúng như những trải nghiệm mới. Tôi còn nợ Chantarela 30 EUR chưa tiêu, cho 10 món đồ uống để nếm thêm 10 món Tapas bất ngờ.  Những khu chợ nông sản ẩn mình giữa phố phường còn chưa kịp thết đãi tôi một bữa tiệc cho mọi giác quan. Tôi thật muốn ngắm nhìn những quả cà chua lồng phồng múi nhỏ, xinh như một chiếc gối găm kim, quả xen lá vẫn còn xanh tươi trên cành, muốn nếm vị ngọt từ những hạt lựu đỏ au như ngọc ruby, muốn ngửi cái mùi hỗn độn là lạ của từng khu chợ, chẳng biết cắt nghĩa là mùi thơm hay mùi khó chịu. Và dãy núi Sierra Nevada xanh biếc phía xa vẫn chưa cho tôi biết những cánh rừng, lạch suối của nó được nhìn ngắm trên lưng một chú ngựa Andalusia sẽ đẹp đẽ đến chừng nào. Những tiếc nuối đó đã cho tôi nhiều hơn một lý do để quay lại thành phố quả lựu, ngay khi có cơ hội. Xe đã chạy ngược lên phía Bắc và những khu rừng ô-liu đã trôi dần về phía sau, một chút nhớ nhung để lại trong lòng, lời tạm biệt chẳng cần nói vì ngày trở lại sẽ sớm đến.

Tips:
1. Di chuyển:


  • Cách đỡ tốn kém nhất để tới được Granada là đi bằng xe bus từ Madrid, vé khứ hồi theo kinh nghiệm của tôi là 36 EUR. Xe rất sạch sẽ và chạy nhanh, nếu được đi xe loại mới thì chỗ ngồi cũng khá rộng rãi. Tuy nhiên theo cách này thì thời gian di chuyển khá lâu (5 tiếng từ Madrid) nên phương án tối ưu nếu bạn có sức khỏe tốt là đi chuyến đêm để có thể tiết kiệm thời gian. 
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn đi tàu hoặc máy bay. Đường sắt có thể lâu hơn chút nhưng chỗ ngồi thoải mái hơn và không sợ delay, vé máy bay thì rất đắt và lai mất công đi ra sân bay cũng như vướng nhiều thủ tục lằng nhằng. Bạn có thể tham khảo thêm về phương tiện di chuyển qua: www.goeuro.com
  • Taxi ở Granada khá rẻ, đừng ngại dùng khi cần nhé.
2. Khí hậu:
  • Granada có khí hậu Địa Trung Hải khô nóng, mùa hè nóng và khô trong khi mùa đông khá lạnh và ẩm hơn do ảnh hưởng của khí hậu núi cao. Hiếm khi có mưa ở Granada, ngay cả vào tháng ẩm ướt nhất là tháng 11 cũng chỉ có thông số trung bình là 64mm.
  • Mùa đẹp nhất để đến thăm thành phố này là đầu hè (tháng 5 và 6) và cuối thu (tháng 9 và 10) 
3. Các vấn đề khác
  • Granada có khá nhiều khách sạn cũng như homestay, mức giá cũng khá đa dạng. Bạn có thể dễ dàng chọn lựa trên Airbnb hoặc Agoda. Trong chuyến đi lần này, tôi chọn nghỉ lại Lemon Rock Hostel là một địa điểm khá dễ chịu, phòng nghỉ kiểu Dorm, có quầy bar và quán ăn dưới sảnh, vị trí thuận lơi có thể đi bộ tới những khu vực chính của thành phố trong 15 - 20'.
  • Bạn có thể mua vé tham quan Alhambra tại trang web, quầy vé trước lâu đài hoặc máy bán vé được đặt quanh thành phố, bạn có thể tham khảo thêm tại ĐÂY. Giống như ở Đại Nội Huế, ở đây bán cả vé tham quan ban ngày lẫn ban đêm và hai loại này không có giá trị thay thế nhau. Tuy nhiên cần chú ý mấy điều sau:

    - Nên đặt trước vé vì lượng khách mỗi ngày bị chính quyền thành phố hạn chế.

    - Nếu bạn mua vé thăm cung điện Nasrid, cần chú ý tới giờ tham quan ghi trên vé, nếu quá giờ bắt đầu, họ sẽ không cho bạn vào. Đây là phần được quản lý nghiêm ngặt nhất của toàn quần thể di tích bởi  nó luôn bị quá tải du khách tham quan.

    - Nên đến sớm hơn giờ quy định để đề phòng việc bị kẹt trong hàng dài trong những ngày đông khách.
  • Mua vé để tự khám phá cung điện cũng rất vui nhưng tôi khuyên bạn nên mua tour. Tôi cũng đã mua tour ở ĐÂY và cảm thấy rất ổn, vì dù nó khá đắt nhưng lại đem lại nhiều giá trị mà mua vé tự túc không thể đem lại:
    - Với tour này, bạn không phải xếp hàng để chờ vào lâu đài mà được đi đường riêng, hướng dẫn viên có thể cắt mọi hàng nếu cần.
    - Hướng dẫn viên thuyết minh rất chi tiết với thiết bị radio, bằng tiếng Anh khá dễ nghe. Bạn sẽ được nghe nhiều câu chuyện thâm cung bí sử của các triều đại cũ, ý nghĩa của các chi tiết kiến trúc và nhiều câu chuyện khác.
    - Đây là tour trọn gói, bao gồm tất cả mọi địa điểm thuộc quần thể Alhambra, bạn sẽ không phải lo về việc mua vé lẻ sao cho đủ địa điểm hay canh để mua vé vào cung Nasrid, đôi khi rất hiếm có vào mùa cao điểm hoặc nếu mua quá sát ngày đi.
  • Một vài địa điểm ăn uống:
    - Chantarela - Calle Águila, 20, 18002 Granada (Barrio Centro): Nơi có Tapas miễn phí rất ngon với đồ uống giá chỉ tầm 3EUR.
    - Restaurante Bar Leon - Calle Pan, 1, 18010 Granada: Nhà hàng và Tapas Bar có món cá cơm trắng và mực chiên thơm giòn:
    - Heladeria Tutto Gelato - Calle Almireceros, 9, 18010 Granada: Hàng Gelato có vị kem lựu ngon ngây ngất.
    - Marco Polo Sabores del Mundo - Calle Calderería Nueva, 3, 18010 Granada: hiệu bánh Ả-rập cùng gia vị, trà, rươu và hương trầm.
    - Medievo - Calle Cárcel Baja, 5, 18001 Granada: hiệu trà và gia vị ngay sát bên hông tòa thánh của thành phố, ở đây bán rất nhiều loại trà ướp hương hoa, quả thơm quyến rũ.
Granada street by A Guy Who Cooks 10

Tạm biệt Granada và hẹn ngày tái ngộ.

You Might Also Like

0 comments

Bài viết nổi bật

Youtube

Facebook